Bài 10:

Bắc Giang: Tan hoang rừng Sơn Động, trách nhiệm chính quyền ở đâu?

(Dân trí) - Tại “vựa rừng” Sơn Động (Bắc Giang), câu chuyện buồn từ việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động mở đường phá hơn 20 ha rừng tự nhiên, người dân ồ ạt phá rừng và cả gia đình chủ tịch thị trấn cũng ngang nhiên phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên. Vậy trách nhiệm hệ thống chính quyền huyện Sơn Động ở dâu?

Trước hàng loạt vụ việc phá rừng gây chấn động dư luận ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, đặc biệt gần đây nhất là vụ việc con trai lãnh đạo thị trấn tại huyện Sơn Động phá hơn 26.000m2 rừng bị phanh phui, vậy Chính quyền địa phương huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã và đang làm gì? Hay là, riêng ở địa phương này việc phá rừng của quan thị trấn là chuyện bình thường và được “đặc cách” không phải xem xét trách nhiệm trong khi những vụ việc tương tự đối với người dân, kể cả ở các địa phương khác đều phải đưa ra ánh sáng pháp luật xử lý nghiêm.


Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động vào tháng 5/2016. (Ảnh: Anh Thế)

Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động vào tháng 5/2016. (Ảnh: Anh Thế)

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Với tư cách là một luật sư, tôi cho rằng trong vụ việc này cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của phía chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước dẫn đến hậu quả hàng chục, hàng trăm ngàn m2 rừng bị tàn phá. Công tác quản lý Nhà nước là rất quan trọng, nếu như tội phạm phá rừng đã nguy hiểm, thì hành vi nơi lỏng, thiếu trách nhiệm của những người thực hiện công tác quản lý còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần vì chính những hàng vi “thiếu sót” và đúng hơn là “Thiếu trách nhiệm” này dẫn đến hành vi phá hoại và để lại hậu quả nặng nề.


Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho rằng phải xử lý trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo huyện Sơn Động trước tình trạng rừng bị tàn phá.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho rằng phải xử lý trách nhiệm của những cá nhân lãnh đạo huyện Sơn Động trước tình trạng rừng bị tàn phá.

Nếu chính quyền địa phương thực hiện không tốt chức năng của mình thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngời và có thể hiểu chính cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước địa phương đang “tiếp tay” cho tội phạm phá rừng. Do vậy, theo tôi trước hàng loạt vụ việc phá rừng đang được tiến hành, điều tra xác minh ở Sơn Động, Bắc Giang thì các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng thuộc tỉnh Bắc Giang, kể cả Chính phủ cũng đồng thời phải tiến hành điều tra, xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương tại đây, trách nhiệm đến đâu phải xử lý ngay đến đó”.


Ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết đã chuyển hồ sơ vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá rừng sang Công an huyện Sơn Động.

Ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết đã chuyển hồ sơ vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá rừng sang Công an huyện Sơn Động.

Theo luật sư Hoàng, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại gây ảnh hưởng đến tài nguyên quốc gia, đến môi trường sinh thái của cộng đồng và nhân loại, đối với vụ việc này khi bằng chứng đã được các cơ quan truyền thông vào cuộc điều tra, mọi thông tin đã sáng tỏ trước công luận. “Tôi cho rằng UBND tỉnh Bắc Giang, cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang không thể không vào cuộc để có câu trả lời thỏa đáng đáp ứng được sự mong mỏi của người dân cả nước đang theo dõi vụ việc. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm đối với cha con ông Thắng chủ tịch thị trấn Thanh Sơn liên quan đến hành vi hủy hoại rừng thì việc xem xét trách nhiệm đối với UBND huyện Sơn Động, đặc biệt cơ quan kiểm lâm Sơn Động là việc làm hết sức cần thiết bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, sự bình đẳng trước pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức và công dân, sai phạm đến đâu cần ngăn chặn và xử lý kịp thời”, luật sư Hoàng nói.

Luật sư Hoàng cho rằng trong trường hợp này, nếu có dấu hiệu về “Tội thiếu trách nhiệm giây hậu quả nghiêm trọng” từ phía các cơ quan, người quản lý đã để xẩy ra hậu quả này thì cũng phải tiến hành khởi tố hình sự ngay theo quy định tại Điều 285 BLHS.

Điều 285 Bộ luật hình sự quy định:

"1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Ngoài ra, theo Điều 2 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng cũng quy định rõ Trách nhiệm của của Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biêt thông tư cũng quy định rõ: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật”.

“Qua sự việc, tôi cho rằng nếu việc xử lý trách nhiệm quản lý không được tiến hành một cách kịp thời và mạnh mẽ thì tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, không biết đến bao giờ mới chấp dứt, vô hình chung tất cả chúng ta đang “làm ngơ” để lâm tặc hoành hành.

Đối với hành vi phá rừng của ông Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp) là con trai của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn mà cơ quan chức năng, cơ quan điều tra công an huyện Sơn Động đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. Trường hợp này tôi cho rằng cần thiết phải mở rộng điều tra, xác minh rõ hành vi của ông Phạm Văn Thắng, vì ông này vốn là chủ sử dụng đất, chủ rừng được Nhà nước giao.

Tuy nhiên ông Thắng đã xác lập văn bản gọi là “ủy quyền” cho con trai là Phạm Văn Cương được toàn quyền quản lý, sử dụng hơn 26.000 m2 rừng đã bị phá. Vấn đề pháp lý cần được xem xét là quy trình, thủ tục ủy quyền có đúng và hợp pháp về cả hình thức lẫn nội dung không? Nếu cố ý xác lập “ủy quyền” bất hợp pháp có dấu hiệu về việc cố ý làm giả hồ sơ, tài liệu để thoái thác trách nhiệm thì cũng cần phải hủy “ủy quyền” đồng thời ông Phạm Văn Thắng phải có trách nhiệm trong việc hủy hoại rùng của người con Phạm Văn Cương, văn bản ủy quyền không đúng, không hợp pháp thì đương nhiên ông Thắng vẫn là chủ quản lý, sử dụng diện tích rừng. Việc con trai ông tự ý phá rừng, hủy hoại một diện tích rừng lớn như vậy, ông Thắng phải chịu trách nhiệm. Với tất cả các vấn đề nêu trên đều phải xem xét làm rõ và có chế tài nghiêm minh thì mới đủ sức răn đe được những đối tượng khác và đẩy lùi vấn nạn phá rừng ở Sơn Động được”, luật sư Hoàng khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm