Ao ước của người mẹ có con học lớp 1

Đọc “Nỗi lòng người cha có con sau 3 tuần vào lớp 1” và những bài viết về tình trạng của trẻ mới vào lớp 1, tôi không khỏi buồn và trăn trở về hiện trạng giáo dục tiểu học hiện nay.

Bởi tôi cũng có con, cũng đã từng chứng kiến (nhưng chưa đủ dũng cảm để lên án, sợ hậu quả con mình lại phải chịu) những trường hợp tương tự như thế của các cô trong cách đối xử với các cháu trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.         

 

Tôi đã từng nghĩ tiền không phải là tất cả, nhưng than ôi, tiền vẫn có tiếng nói ngon và ngọt nhất, được việc nhất.

 

Việt Nam thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mỗi nhà chỉ có 1, đến 2 con, vậy nên các cháu luôn được bố mẹ và người thân yêu mến nâng niu.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com  

Đã là người thì ai cũng đều yêu mến trẻ nhỏ, vậy mà ở trong môi trường giáo dục tiểu học, các cô giáo đứng trên bục giảng lại có thể đối xử với các em tồi tệ (xin lỗi, tôi phải dùng từ như thế này mới đúng) như thế, hay các cô dạy học có quá nhiều cháu nên tình cảm đã loãng?

 

Trường, lớp nghĩ ra đủ các lý do để các cháu đóng góp tiền (kế hoạch nhỏ, sửa chữa trường lớp, cần mua tủ đựng đồ dùng ở lớp, bình nước nóng lạnh, thảm trải nền, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật...), tôi không thể kể được hết những khoản ấy, vì nó cũng thật sự tế nhị, trong khi đó các cháu chưa làm ra tiền, có các khoản bố mẹ các cháu cũng đã đóng góp ở cơ quan một ngày lương rồi.

 

Ngay như họp phụ huynh cũng thế, chỉ cần trưởng ban phụ huynh đưa ra con số tiền đóng quỹ phụ huynh bao nhiêu là các cha mẹ học sinh đồng ý ngay không cần biết hoàn cảnh của từng gia đình. Những người không có điều kiện thì không dám nói, vì thấy tất cả đồng ý, chẳng lẽ mình mình phản đối nên sợ lại phải gật đầu theo. Nào ai biết đâu có người đi làm một ngày cũng chỉ kiếm được 65 nghìn.       

 

Giờ tôi thấy lo lắng nhất là chuyện học của con. Tôi thấy cháu nhà tôi thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, học được. Tôi hỏi cô: “Cháu học thế nào, cô cho cháu đến học thêm nhà cô cùng các bạn”, cô bảo: “Không phải học thêm khi bố mẹ có điều kiện kèm con học, em chỉ dạy các cháu bố mẹ quá bận không có điều kiện kèm con học thôi mà”.

 

Cô nói thế tôi cũng thật thà tin ngay, nhưng giờ cháu đã vào học được một tháng, bài vở cháu luôn đầy đủ, toán làm đúng, chữ thì tôi chưa dám khẳng định là đẹp, nhưng điểm chủ yếu là điểm 6, 7, 8. Vậy nên tôi vẫn không yên tâm khi mà xung quanh các cháu cùng lớp cùng trường đua nhau đi học thêm hết ở nhà cô giáo. Chồng tôi bảo: “Em phải cho con đến nhà cô học thì mới ổn, nếu không thì lại không bằng các bạn”.

 

Tôi rất hoang mang, tiền tôi không tiếc, nhưng tôi thương cháu, học ở lớp cả ngày, giờ nếu học thêm thì tuần 2 buổi vào thứ 7, chủ nhật lại đến nhà cô học, chưa kể bố mẹ làm cả tuần vất vả, rồi ngày nghỉ lại phải dậy sớm đưa con đi học. Tôi hỏi mẹ cháu lớp bên cạnh vì thấy cháu cũng đi học thêm, được nghe trả lời: “Cô để địa chỉ học trong cặp của con, chẳng lẽ lại không cho con đi, lớp chỉ có 10 cháu thôi”.

 

Tôi không biết các cô có nghĩ tới sự vất vả của các cháu không, có thấu hiểu nỗi lòng của bố mẹ các cháu có con nhỏ không? Và Bộ Giáo dục sẽ làm sao để xua đi hết tâm trạng lo lắng của cha mẹ về thực trạng dạy dỗ con em mình ở trường như thế. Làm sao để chúng tôi có thể yên tâm làm việc, đóng góp cho xã hội?        

 

Tôi lại mơ về ngày xưa đi học, ngày học một buổi, một buổi ở nhà giúp bố mẹ, thầy cô  giáo luôn yêu quý và động viên chúng tôi đến lớp. Hè được nghỉ 3 tháng trọn vẹn thả sức vui chơi về quê. Cái cặp đi học nhẹ nhàng bên trong chỉ có: một cái bảng, viên phấn, bút chì, thước kẻ, một cuốn học vần, một cuốn toán và 2 cuốn vở tập viết. Thế mà học sinh thời đó đâu có thua kém học sinh bây giờ. Nhiều người vẫn đỗ đại học, trở thành các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân…

 

Nhớ lại thời đó, tôi lại ước bao giờ cho đến ngày xưa?       

 

 nguoikinhbac_01@yahoo.com.vn   

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây, lại một lần nữa nói lên nỗi lòng và sự trăn trở của một bà mẹ có con đang học lớp 1. Bài viết này cho biết vẫn còn khá phổ biến tình trạng cô giáo dùng những hình thức kín đáo để ép học sinh đi học thêm qua cách đối xử không công bằng của cô, nếu học sinh nào không đi học thêm thì dù có làm bài đúng hoàn toàn cũng chỉ được điểm 6, 7 và cao nhất là 8 mà thôi!

 

Cũng có khi cô giáo gửi địa chỉ học thêm cho học sinh cất vào cặp để về nhà đưa cho bố mẹ. Còn nhà trường thì vẫn bày ra biết bao khoản thu không đúng với quy định của Bộ nhưng phụ huynh học sinh vẫn đành ngậm miệng đóng góp vì sợ phản đối sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của con mình. .

 

Đấy là thực trạng mà tác giả bài viết trên đây muốn qua Diễn đàn Dân trí phản ảnh với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cấp quản lý giáo dục để có biện pháp khắc phục bằng được những điều ngang trái đó trong nhà trường hiện nay, để cho những phụ huynh học sinh không phải ngậm ngùi ao ước: “Bao giờ cho đến ngày xưa!”