Án phạt nặng với đối tượng dùng hung khí khống chế cháu bé 18 tháng tuổi

(Dân trí) - Hành vi dùng hung khí bắt giữ cháu bé 18 tháng tuổi của đối tượng Tạ Văn Vỹ sẽ bị truy cứu hình sự và đối mặt với án phạt tù nhiều năm. Luật sư cho rằng cần có mức án nghiêm minh với những hành vi gây băng hoại đạo đức xã hội, đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh.

Như Dân trí đã đưa tin, bé gái 18 tháng tuổi vừa may mắn được các chiến sĩ công an huyện Cẩm Giảng giải thoát khỏi tay một thanh niên dùng vật sắc khống chế.

Trước đó vào khoảng 17h30 ngày 5/6, Công an huyện Cẩm Giàng nhận được tin cấp báo từ người dân về việc một thanh niên bất ngờ đột nhập vào nhà anh Vũ Xuân T. (SN 1986, ở thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Tại đây, đối tượng đã dùng mảnh sành bắt giữ bé gái 18 tháng tuổi (con anh T.) sau đó ôm lên tầng 2 của tòa nhà với thái độ hung hãn.

Tuy nhiên, đến 18h30 cùng ngày, lực lượng công an huyện Cẩm Giàng đã vận động được thanh niên trên trao trả cháu bé.

Thanh niên bắt cóc bé gái được xác định là Tạ Văn Vỹ (SN 1987) ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Tại cơ quan công an Vỹ khai nhận, đã sử dụng ma túy trước vài ngày. Cháu bé do được giải cứu kịp thời nên không bị thương tích, hiện nay tình hình sức khỏe đã ổn định.


Đối tượng Vỹ tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Vỹ tại cơ quan điều tra.

Nhận định về vụ việc Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh Hoa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hành vi của Tạ Văn Vỹ có dấu hiệu cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”

Như vậy, hành vi sử dụng vũ lực bắt, khống chế cháu bé của Vỹ là hành động can thiệp trái pháp luật vào quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân. Nếu trong quá trình sử dụng mảnh sành khống chế cháu bé, Vỹ gây thiệt hại cho sức khỏe của cháu bé thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh cố ý gây thương tích.

“Trong trường hợp này, Vỹ thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, Vỹ hoàn tòan ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Việc Vỹ sử dụng ma túy đá không loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi bắt người trái pháp luật bởi điều 14 Bộ luật hình sự quy định: “ Người phạm tôi trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Người phạm tội trong tình trạng đang sử dụng các chất ma túy là họ có lỗi trong việc đưa cơ thể mình vào tình trạng mất kiểm soát, do vậy họ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi do mình thực hiện. Sử dụng ma túy đá là một tệ nạn xã hội, việc bắt người sử dụng các chất ma túy phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội góp phần loại trừ hành động do họ gây ra là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn sử dụng ma túy.

Như vậy, Vỹ thực hiện việc bắt giữ cháu bé 18 tháng tuổi với mục đích để chiếm đoạt tài sản của cha mẹ cháu bé thì hành vi của Vỹ có căn cứ định tội danh Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”- Luật sư Lực phân tích.

Cùng đó, phương tiện Vỹ sử dụng để khống chế cháu bé là mảnh sành, đây được xác định là hung khí nguy hiểm, tiềm ẩn khả năng gây sát thương cao cho tính mạng sức khỏe của đứa trẻ. Trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tự vệ được xã hội, pháp luật bảo vệ ở mức độ cao nhất. Hành vi phạm tội đối với trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cơ sở để xác định hình phạt cao hơn trong pham vi khung hình phạt quy định.

Trên thực tế, trong vài năm trở nay đây những vụ án bắt giữ người để khống chế đòi tiền chuộc đang có dấu hiệu gia tăng. Thậm chí đối tượng còn gây án còn nhẫn tâm giết chết con tin khi thấy vụ việc có khả năng bại lộ. Theo cơ quan công an, những vụ án bắt người trái phép thường liên quan đến những đối với những hành vi sử dụng ma túy.

Ở góc độ xã hội Luật sư Lực cho rằng những hành vi phạm tội thì cần phải nghiêm trị, với bản án thích đáng nhằm răn đe, giáo dục đối với các cá nhân khác trong xã hội. Cơ quan xét xử có thể xét xử lưu động vụ án tương tự như thế này để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với hậu quả ghê gớm của tệ nạn sử dụng ma túy trong xã hội hiện nay.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm