Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà

(Dân trí) - Đê hữu sông Hồng hay còn gọi là đê Đại Hà, hiện nay có khoảng 40km chạy qua địa phận tỉnh Hà Nam. Riêng huyện Lý Nhân có hơn 27km đê sông Hồng chạy qua, chiếm phần lớn tổng chiều dài toàn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Đoạn đường này là tuyến đường quan trọng. Tuy nhiên, gần như toàn bộ con đường không chỗ nào là không rạn nứt, đứt gãy thậm chí có đoạn đường còn khó đi hơn cả lúc chưa làm. Phương tiện giao thông  đi lại vô cùng khó khăn.

Điểm hình là các đoạn đường thuộc  xã Tiến Thắng, xã Hòa Hậu, xã Nhân Thịnh hay xã Nhân Phúc,… mặt đường bê tông bị tàn phá nặng nề mà nguyên nhân chủ yếu được các ngành chức năng xác định là do xe chở quá trọng tải đi lại hàng ngày.

Sự xuống cấp của con đường đã xảy ra nhiều năm nay. Thực tế cho thấy, đoạn đường đê này dường như không còn một chỗ nào là không bị xé nát. Các tảng bê tông đứt gãy nằm ngổn ngang, dựng ngược giữa đường. Chỗ lồi, chỗ lõm tạo thành các ổ voi, ổ gà trải dài khắp con đường.

Đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Những người tham gia giao thông thường phải mon men đi xuống vệ đê hay rìa đường, thậm chí có đoạn phải xuống dắt bộ. Chỉ sơ sẩy tay lái là họ có thể “nằm” ra đường hay “bò” xuống vệ đê bất cứ lúc nào. “Những khi trời mưa đi trên đường đê mà như đi dưới ruộng vậy, bùn bề, nước ngập đến gần đầu gối ở những ổ voi, ổ gà. Còn những ngày nắng, đường bụi mù mịt rất khó đi lại”, bà Trần Thị Hảo xóm 24, xã Hòa Hậu chia sẻ.

Chị Trần Thị Hà, xóm 22 cũng bức xúc: “Người lớn đi qua đoạn đường này đã khó khăn đằng này nó lại là lối đi chính của bọn trẻ đến trường, nhìn chúng đi mà chỉ lo bọn trẻ không may lăn ra đường mà thấy tội.”

Trước tình hình đó, ông Trần Duy Lanh, xóm trưởng xóm 24 cho biết:” Đoạn đường đê xuống cấp đã có rất nhiều ý kiến phàn nàn của người dân phản ánh lại. Họ vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ có thể khắc phục được phần nào tình trạng đó. Đôi lần xóm có chi ra một khoản để mua đá dăm, cát hoặc gạch để đổ vào những chỗ đường bị hư hỏng nặng để người dân dễ đi lại hơn. Bên cạnh đó cũng có vài lần các công ty gạch khu vực này cũng đổ gạch, cát san đường để việc đi lại thuận tiện hơn”.

Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh xuống cấp của con đường ven đê Đại Hà:

Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.
Ẩn hoạ khôn lường trên tuyến đường đê Đại Hà.

Trần Thị Trà My 

(SV Khoa Viết văn Báo chí - Đại học Văn hoá Hà Nội)