Đắk Nông:
Ai thuê nhóm giang hồ trắng trợn đòi tiền "bảo kê" của hàng loạt nông dân?
(Dân trí) - Theo người dân, một nhóm khoảng 20 đối tượng dáng vẻ bặm trợn cầm cưa máy, dao phát ngang nhiên vào đất rẫy để chặt phá cây trồng. Các đối tượng này cho biết, được một công ty trên địa bàn thuê, nếu không chịu nộp tiền thì sẽ bị lấy lại đất.
“Nộp” tiền mới được yên?
Như Dân trí đã phản ánh, trong thời gian qua, nhiều hộ dân xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) liên tục bị nhóm đối tượng lạ mặt đến chặt phá cây cối, đòi đất hoặc đòi tiền “bảo kê”.
Ông K’Jrong (ngụ thôn Quảng Tiến) bức xúc cho biết, tình trạng trên diễn ra nhiều năm nay, gia đình ông là một trong những hộ bị chặt phá nhiều nhất. Theo ông K’Jrong, mảnh đất 4ha là của bố mẹ để lại cho hai vợ chồng ông bà làm ăn. Mảnh đất này được khai phá từ năm 1975, đến năm 1995 ông này lập gia đình thì được bố mẹ chia cho trồng cà phê và hồ tiêu, không xảy ra tranh chấp với ai.
“Thế nhưng, đến năm 2015, gần 800 gốc cà phê 14 năm tuổi của tôi bị người ta chặt phá lúc đêm. Sau đó, đến năm 2017, 900 gốc tiêu cũng bị chặt. Đầu năm 2018, một nhóm người lạ mặt đến rẫy nhổ hơn 470 cây cà phê 3 năm tuổi mới trồng. Đến ngày 28/5/2018, nhóm người trên tiếp tục vào đe dọa gia đình tôi, tôi và con gái mang điện thoại ra quay thì bị nhóm này giật lấy, túm cả cổ áo hai mẹ con. Sự việc tiếp tục xảy ra vào chiều 4/6/2018”, bà H’iam, vợ ông K’Jrong tiếp lời chồng.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song) cho biết: “Hôm 8/4 vừa qua, có một nhóm người trong đó có người tên gọi Trung “vua” đòi phải đưa cho nhóm này 600 triệu đồng thì được yên. Tuy nhiên đất của tôi mua bán với người dân bản địa, canh tác nhiều năm nay nên tôi nói không có tiền thì bị đe dọa là chặt phá tiêu. Và sau đó thì gần 200 trụ tiêu của gia đình tôi bị chặt phá thật”.
Ông Đinh Minh Tuấn, Trưởng Công an xã Quảng Sơn, xác nhận 3 năm qua nhiều vườn cây của các hộ dân trong xã bị kẻ gian phá hoại. Nhóm "giang hồ" liên quan chủ yếu phá hoại vườn của người dân vào ban đêm và phá hoại "không thường xuyên”, mỗi năm chỉ thực hiện một đến hai lần nên rất khó bắt quả tang.
Liên quan đến thông tin nhóm giang hồ đòi tiền bảo kê hàng trăm triệu đồng mới để cho người dân yên ổn canh tác, ông Tuấn cho biết công an chưa nhận được phản ánh chính thức hay đơn tố cáo.
Ai thuê giang hồ “bảo kê” đất ?
Bà Lưu Thị Viện (ngụ thôn 2, xã Quảng Sơn) cho biết, gia đình bà có hơn 1,4 ha đất, trong đó một nửa tự khai phá từ năm 2003. “Đến năm 2013, do rẫy của tôi sát với đất của Công ty thương mại Đ.N, nên bên đó đề nghị tôi mua 7 sào. Sau đó, tôi đã đồng ý mua nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng, do chưa sử dụng đến. Đến năm 2018, có một nhóm người tự xưng là người của Công ty Đ.N đến đòi lại đất. Đất họ đã bán, có giấy tờ đàng hoàng nên gia đình tôi ra sức phản đối thì bị bọn chúng đe dọa, đánh đập”, bà Viện bức xúc.
Theo như giấy sang nhượng giữa Giám đốc Công ty Đ.N với bà Viện, công ty này đồng ý sang nhượng số đất rẫy thuộc tiểu khu 1658 và 1659 với giá 300 triệu đồng cho bà Viện. Công ty này cũng cam kết, diện tích đất trên không có tranh chấp với ai.
Tuy nhiên, năm 2015 gia đình bà Viện bắt đầu xảy ra những chuyện như cây cối bị chặt phá, gia đình bị đe dọa. “Thời điểm đó, có một đối tượng tên Trung “vua”, tự xưng là được Công ty Đ.N ủy quyền gọi điện mời tôi ra quán cà phê để thỏa thuận giá. Nếu gia đình tôi đồng ý đưa 200 triệu thì sẽ được yên, còn không thì chúng sẽ tiếp tục phá”
Tương tự, bà H’ iam cũng cho biết, trong quá trình hai bên giằng co, nhóm đối tượng trên cho biết là người được Công ty Đ.N thuê đến để đòi lại đất.
Trưởng Công an xã Quảng Sơn xác nhận, rẫy tiêu bị kẻ gian phá hoại diễn ra trong khu vực tranh chấp đất giữa một công ty lâm nghiệp và người dân. "Việc tranh chấp đất diễn ra lâu nay và hai bên thường xuyên xảy ra xô xát. Công an xã đã nhiều lần báo cáo lên huyện để điều tra. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được danh tính nhóm đối tượng trên”, ông Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long Vũ Tá Long cho biết, đã chỉ đạo công an huyện có phương án bảo vệ tài sản của người dân từ hai năm nay. Theo ông Long, tài sản của người dân ở trên đất hợp pháp hay không đều được chính quyền bảo vệ.
"Tài sản của người dân bị kẻ gian phá hoại thì cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Việc giang hồ đòi bảo kê tài sản của người dân là không chấp nhận được. Bất cứ hành động bảo kê đối với tài sản của người dân đều vi phạm pháp luật. Việc vườn tiêu của người dân bị kẻ gian phá hoại kéo dài mà công an không bắt được quả tang nên cũng rất khó xử lý ", ông Long nói.
Đặng Dương