Vĩnh Phúc:

4 năm không xin cấp được sổ đỏ mảnh đất do cha ông để lại

(Dân trí) – Đã gần 4 năm trôi qua, ông Trần Nguyên Khôi được gia đình ủy quyền lên UBND làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất cha ông để lại nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn "làm ngơ" với lí do “không đủ cơ sở pháp lý”.

Đơn thư của ông Trần Nguyên Khôi gửi đến báo
Đơn thư của ông Trần Nguyên Khôi gửi đến báo Dân trí
 
Theo đơn thư của ông Trần Nguyên Khôi (cháu ruột của cụ Trần Đình Tích và là người được ủy quyền), sinh năm 1936, hiện trú tại phòng 406 nhà C2 khu tập thể Quân đội Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội gửi đến báo Dân trí phản ánh: Ông được các anh chị em trong gia đình ủy quyền thực hiện các thủ tục pháp lý để xin Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 527m2 tại phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo giấy tờ của cụ Trần Đình Tích và cụ bà Lê Thị Hòa đã qua đời để lại (Hợp đồng ủy quyền số công chứng: 1879, quyển số 01/2009/TP/CC-SCC/HĐGD).

Tuy nhiên từ tháng 9/2009 đến nay, ông Khôi đã nhiều lần viết đơn gửi ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc để đề nghị xem xét, giải quyết nhưng tới nay, sự việc đã trôi qua gần 4 năm mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông Khôi cho rằng, kết luận trong văn bản của ông Hoàng Văn Đăng, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới ông Khôi ngày 27/2/2012 với nội dung: “Việc đòi lại đất cũ của gia đình ông Tích ở thị xã Phúc Yên là không đủ cơ sở pháp lý để xem xét trả lại đất” là không cụ thể, hết sức chung chung, vô thưởng vô phạt, đó là một đòi hỏi máy móc, cố tình gây khó dễ cho người dân.

Cũng trong nội dung đơn thư, ông Khôi phản ánh, thửa đất 527m2 nói trên là thửa đất của cụ Trần Đình Tích đứng tên và được cơ quan có thẩm quyền công nhận bằng văn bản ngày 8/2/1954, văn bản này hiện vẫn được ông Khôi lưu giữ.

Ngoài ra, theo ông Khôi cho biết, từ năm 1960 – 1962, ông nguyễn Bá Lô, hồi đó nguyên là Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên đã xác nhận là mượn thửa đất 572m2 của cụ Trần Đình Tích để làm chợ tạm, phục vụ đời sống nhân dân. Một thời gian sau, chợ được chuyển đi nơi khác nhưng thửa đất trên vẫn chưa được trả lại cho cụ Tích, điều này cũng đã được ông Nguyễn Bá Lô  xác nhận ngày 8/1/1996. Vợ ông Nguyễn Bá Lô là bà Vũ Thị Châu, nguyên Bí thư Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội cũng xác nhận thửa đất trên thuộc quyền sở hữu của cụ Tích. Ông Nguyễn Văn Biền, là người được ông Nguyễn Bá Lô giao đất để xây dựng cửa hàng bách hóa thị xã Phúc yên lúc đó cũng đã xác nhận.

Ngoài 3 người kể trên, còn có 7 bản xác nhận của 7 nhân chứng, hiện vẫn đang sống và rất minh mẫn, đều trú tại thị xã phúc Yên.

Như vậy, từ những căn cứ, lập luận nêu trên, ông Trần Nguyên Khôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, làm rõ để gia đình ông Khôi được nhận lại phần diện tích đất trên, để gia đình ông có nơi xây nhà thờ tổ của dòng họ, làm nới sinh hoạt của dòng họ, nhằm giáo dục con cháu thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện tốt nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ đất nước và giải quyết những khó khăn về chỗ ở cho gia đình và cho con cháu trong dòng họ.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến độc giả.
 
Anh Đức