10 giọt máu "nhuộm đỏ" lá đơn kêu cứu của cậu bé tật nguyền

(Dân trí) - Căn bệnh dị tật bẩm sinh cùng căn bệnh xương thủy tinh đã để lại cho em Trần Văn Hà (SN 1990, khối 1 thị trấn Qùy Hợp, Nghệ An) một thân hình không mấy lành lặn, thế nhưng cuộc đời em còn kém may mắn hơn khi phải tự mình rạch tay lấy máu đượm lên những lá đơn để cùng mẹ đấu tranh trên con đường đi tìm công lý.

Nằm co quắp trên giường, thân hình em run lên những cơn đau vì bệnh tật, lâu lâu những giọt nước mắt lại lăn dài trên đôi gò má. Mấy đầu ngón tay tê buốt vì lưỡi dao lam cứa vào không đau bằng những nỗi đau tinh thần mà em đang chịu đựng. Tiếp chúng tôi trên chiếc giường cũ kỹ đã gần như mục nát em nghẹn ngào khi nhắc tới quá khứ của mình.

Hà sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc, ngay từ nhỏ đã chứng kiến cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt của người cha. Cứ 3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng, cha lại đánh mắng nhau khiến 3 chị em Hà rất đau lòng.


Đơn xin được hỗ trợ điều tra do Hà viết.

Đơn xin được hỗ trợ điều tra do Hà viết.

Đơn kêu cứu của Hà viết gửi cho cơ quan chức năng được chấm bằng những giọt máu.
Đơn kêu cứu của Hà viết gửi cho cơ quan chức năng được chấm bằng những giọt máu.

Những cuộc tranh cãi dường như kéo dài thêm khi mẹ em phát hiện ra bố ngoại tình. “Đã có người khác bố còn hay đánh đập mẹ, thậm chí còn đuổi mẹ con em ra khỏi nhà”, Hà nói.

Thế rồi “con giun xéo mãi cũng quằn”, không chịu nổi cảnh chồng mình bên người khác mặc cho Hà đau, bệnh, mẹ em quyết định trả lại tự do cho ông. Ngày quyết định ly hôn, mẹ ôm 3 chị em Hà vào lòng mà khóc.

Cậu bé khuyết tật tâm sự về việc cắt 5 ngón tay đi đòi công lý cho mẹ.

Thương mẹ, nhiều đêm Hà trằn trọc không ngủ được. Chia sẻ với chúng tôi, Hà nghẹn lại, miệng không thốt nổi thành lời: “Bố bỏ mẹ theo người đàn bà khác đã đành, đường này khi ly hôn bố còn đòi chia tài sản, mà chia còn không công bằng. Mẹ một nách ôm 3 chị em lại chẳng có nổi một căn nhà tử tế. Em lại mang trong mình bệnh tật triền miên làm khổ mẹ hơn nữa”.

Nhắc tới người mẹ thứ hai của mình, tim Hà như thắt lại. Từng mũi dao như cứa thẳng vào đó. Em khóc, từng tiếng nấc cứ thế tuôn ra, nói đoạn Hà ôm lấy ngực mình. Bản lĩnh của một người đàn ông không cho phép em mềm yếu.

Đơn xác nhận nuôi con sau ly hôn.
Đơn xác nhận nuôi con sau ly hôn.
Hà bị tật nguyền từ nhỏ dù không làm được gì nhưng đã dũng cảm dùng dao lam rạch 5 đầu ngón tay lấy máu chấm vào lá đơn để kêu cứu cho mẹ.
Hà bị tật nguyền từ nhỏ dù không làm được gì nhưng đã dũng cảm dùng dao lam rạch 5 đầu ngón tay lấy máu chấm vào lá đơn để kêu cứu cho mẹ.

Nghĩ tới mẹ, Hà lau vội dòng nước mắt kể về quá khứ bên cạnh cuộc sống của bố với mẹ hai.

“Tình cảm lại chia thêm cho người vợ mới của mình khiến bố chẳng đoái hoài gì đến mẹ con em. Lúc mẹ đi làm, em thường chịu những trận đòn roi của mẹ kế. Ấy thế mà bố lại không màng tới, còn ra sức bênh vực vợ mới, nhiều lần đuổi em đi. Có lần nghe lời mẹ hai bố còn dùng gậy cạy nắp cống đòi chôn em xuống đó”, Hà đau buồn chia sẻ.

Dị tật bẩm sinh, bệnh xương thủy tinh bám lấy thân thể em ngay từ khi mới lọt lòng đã khiến một chàng trai 25 tuổi nhưng chỉ bé như đứa trẻ lên 7, lên 8. Tay chân co quắp lại, đến cái trở mình em cũng còn cảm thấy khó khăn. Mọi sinh hoạt đời thường của Hà đều một tay mẹ em lo liệu.

Mẹ con chị Lâm tâm sự cùng PV.
Mẹ con chị Lâm tâm sự cùng PV.

Vất vả chăm lo cho con khiến gia đình em càng thêm kiệt quệ. Mẹ con chị Lâm (Nguyễn Thị Lâm - mẹ Hà) phải sống trong căn nhà hết sức tuềnh toàng, chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Cả ngôi nhà cũ kỹ dột nát ấy chẳng có nổi một vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc giường cũ kỹ và cái bàn uống nước tiếp khác cũng như răng sắp rụng.

“Trong khi gia đình em đang trong tình trạng nghèo đói, không có nổi căn nhà đàng hoàng để ở thì cuộc sống của bố em lại vô cùng sung sướng. Ông có cả một cơ ngơi nhiều người mong ước. Ông đã cướp đi của mẹ con em nhiều thứ, em muốn đòi lại công bằng cho mẹ”, Hà đau buồn kể lại.


Hà bên những tập lá đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí.

Hà bên những tập lá đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí.

Gần 20 năm qua, chứng kiến những vất vả trên con đường đi tìm công lý của mẹ, khiến lòng Hà như trĩu lại. Hà thương mẹ lặn lội hết chỗ này qua nơi khác, vác hàng trăm lá đơn đi khiếu nại, gõ cửa cơ quan chức năng để tìm công lý. Thế nhưng mẹ con chị Lâm chưa nhận được gì ngoài lời chỉ trích thậm tệ của bố và nụ cười cay nghiệt do “đồng minh” của bố ban tặng.

Những quyền lợi mẹ con chị Lâm đáng được hưởng, những tài sản do chính mồ hôi công sức của mẹ làm nên đều bị cướp mất. Những bước chân trên con đường đi tìm công lý của mẹ em ngày một nhiều, từng ngày gõ cửa các cơ quan chức năng như dày thêm. Vậy mà đáp lại công sức đó vẫn chỉ là sự im lặng. Mọi thứ vẫn không được làm rõ, sự thiệt thòi vẫn phải gánh lên đôi vai gầy của mẹ Hà với ba người con đáng ra phải được sống trong hạnh phúc, sung sướng.

Không cam chịu sự thiệt thòi không đáng đó, Hà quằn quại trong đau đớn. Những buổi tối mấy mẹ con ôm nhau khóc, là con trai Hà chỉ biết dằn lòng mình lại, cố động viên mẹ cùng chị và em. Hà nói: “Ông trời không lấy không của ai cái chi mô mẹ ạ. Mẹ cứ kiên trì đòi lại và con nghĩ công bằng sẽ được thực thi…”.

Chị Lâm làm việc với PV Dân trí.
Chị Lâm làm việc với PV Dân trí.
Chị Lâm trước căn nhà tồi tàn của mình.
Chị Lâm trước căn nhà tồi tàn của mình.

Bản thân tật nguyền không thể cùng mẹ bước từng bước trên con đường đội đơn cầu cứu, nhưng Hà lại có quyết định hết sức táo bạo khi dùng lưỡi dao lam tự rạch trên những đầu ngón tay (rạch 5 đầu ngón tay) của mình lấy máu đượm trên những lá đơn gửi đến cho từng cơ quan chức năng.

Những giọt máu đổ xuống từng trang giấy mang theo cả mong muốn tìm lại những gì em đáng được hưởng, tìm chân lý, công bằng cho mẹ và gia đình. Những giọt máu Hà cắt khi thân hình yếu ớt của em cũng đang rung lên trong đau đớn về thể xác, nhưng Hà cố mỉm cười để xua tan những uất nghẹn trong lòng.

Hà ưu tư buồn rầu cùng mẹ gửi đơn cầu cứu khắp nơi.
Hà ưu tư buồn rầu cùng mẹ gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Ánh mắt Hà chùng xuống, đôi gò má đầy những giọt nước mắt, miệng lắp bắp chỉ vài ba câu hỏi ngắn gọn như cứa vào lòng tôi cảm thấy xót xa hơn bao giờ.

“Những giọt máu của một đứa què quặt như em sẽ không rơi xuống vô ích phải không anh?”, Hà hỏi tôi khi nói về việc vừa qua em đã dùng dao lam cắt 5 đầu ngón tay kèm theo 10 lá đơn gửi ra Trung ương để đi tìm công lý cho mẹ và gia đình.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

 

Nguyễn Duy

Tags: Đơn thư, tìm công lý, khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, Nghệ An, 10 giọt máu.