Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) đã triển khai xây dựng sinh kế bền vững cho người dân tại đây.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt, đơn vị đang phát động phong trào xây dựng mô hình dân vận khéo với mỗi cán bộ, đảng viên luôn đồng hành giúp dân phát triển kinh tế hướng tới thoát nghèo cho người dân trên địa bàn huyện biên giới Quế Phong - nơi Khu BTTN Pù Hoạt đóng chân.

"Hàng tháng mỗi đảng viên, công chức, viên chức tự nguyện tiết kiệm và đóng góp ít nhất 10.000 đồng để xây dựng quỹ. Ngoài ra, đơn vị đã lồng ghép, huy động các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định để giúp Nhân dân các xã vùng đệm trên địa bàn huyện Quế Phong xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, tạo công ăn, việc làm và tăng thu nhập hướng tới thoát nghèo", ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên - 1

Khu BTTN Pù Hoạt hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng keo cho nhân dân (Ảnh: Khu BTTN Pù Hoạt).

Cũng theo ông Sinh, kể từ năm 2018-2021, Khu BTTN Pù Hoạt thường xuyên phối hợp với Ban dân vận Huyện ủy Quế Phong và Đảng ủy, UBND các xã vùng đệm xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương, của các hộ gia đình nghèo.

Ông Sinh cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, hàng trăm ha rừng gỗ lớn đã được đơn vị hỗ trợ để trồng trên diện tích rừng sản xuất đã được Nhà nước giao cho các gia đình ở các xã như: Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong, Hạnh Dịch và Nậm Giải. Việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế trên địa bàn đã tạo điều kiện để người dân có công ăn, việc làm và tăng thu nhập, cùng tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng với phương châm "sống dựa vào rừng nhưng không phải phá rừng".  

Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên - 2

Khu BTTN Pù Hoạt hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ba kích tím dưới tán rừng (Ảnh: Khu BTTN Pù Hoạt).

Đơn vị đã xác định việc đồng hành cùng với chính quyền địa phương các cấp xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư vùng đệm là một trong những giải pháp có tính chất chiến lược, lâu dài để góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học", ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ bí quyết giữ rừng.

Bên cạnh đó, Khu BTTN Pù Hoạt cũng đã giúp người dân xây dựng ba mô hình cải tạo vườn tạp để làm điểm cho các hộ gia đình khác thực hiện theo chủ trương của Huyện ủy Quế Phong về cải tạo vườn tạp trên địa bàn. Đơn vị đã phối hợp với Ban dân vận Huyện ủy vận động Nhân dân bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải cải tạo tập tục lạc hậu trong hoạt động sản xuất và đời sống.

Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên - 3

Mô hình phát triển trồng cây quế tại xã Nậm Giải (Khu BTTN Pù Hoạt).

Đặc biệt là ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như thâm canh lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển nông thôn mới để cải thiện đời sống văn hóa và bảo vệ môi trường; vận động nhân dân làm các công trình vệ sinh gia đình. Đến nay, đã có 17 hộ gia đình hoàn thành các công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn và 3 hộ gia đình tiếp tục đăng ký thực hiện.

Ngoài ra, Khu BTTN Pù Hoạt còn phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong hỗ trợ người dân bản Piêng Lâng xây dựng và phát triển mô hình "trồng khoai sọ" trên địa bàn.

Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên - 4

Khu BTTN Pù Hoạt hỗ trợ cây giống cho các hộ dân tham gia mô hình "cải tạo vườn tạp" (Ảnh: Khu BTTN Pù Hoạt).

Theo đó, tập trung hỗ trợ nguồn giống để nhân dân bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải xây dựng và phát triển mô hình trồng khoai sọ với diện tích dự kiến khoảng 4-5 ha cho khoảng 30-40 hộ gia đình có đủ điều kiện đất đai, nhân lực, kinh nghiệm và nguyện vọng để tham gia thực hiện mô hình.

Bà Lữ Thị Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết: "Việc tạo sinh kế cho người dân vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt là việc làm hết sức có ý nghĩa. Đến thời điểm này nhiều mô hình như: Trồng keo, cây quế, khoai sọ, làm nhà vệ sinh... đã và đang phát triển rất ổn. Ngoài ra, phía Khu BTTN Pù Hoạt và Dân vận Huyện ủy Quế Phong còn giúp bà con làm nhiều việc khác như đường giao thông nội thôn, công tác bảo vệ rừng… có hiệu quả". 

Xây dựng sinh kế bền vững cho người dân ở khu bảo tồn thiên nhiên - 5

Nhờ làm tốt công tác dân vận, nên nhiều khu vực quần thể cây sa mu dầu ở Khu BTTN Pù Hoạt phát triển tốt, không còn tình trạng chặt phá như trước đây (Ảnh: Khu BTTN Pù Hoạt).

Cũng theo bà Tiến, đến thời điểm này, mô hình trồng khoai sọ cho thu nhập cao ở xã Nậm Giải đang phát triển tốt, hiệu quả hơn so với trồng cây khác. Hiện trên địa bàn xã có 17 hộ trồng mô hình khoai sọ với hơn 3 ha. Dự kiến, sắp tới bà con tiếp tục đăng ký trồng khoảng hơn 1 ha. Khoai sọ có giá từ 15-20 nghìn đồng/kg nên tạo cho bà con thu nhập ổn định, cơ bản đảm bảo cuộc sống. Từ đó bà con không còn lên rừng phát rẫy, chặt phá cây.

Được biết, xã Nậm Giải có 478 hộ với 2.100 nhân khẩu, trong đó có 155 hộ nghèo; 99,9% bà con dân tộc Thái.