Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi:
"Xây dựng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cần có tầm nhìn dài hạn"
(Dân trí) - Chiều 15/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quá trình phát triển dài hạn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, ngày 20/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 542/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH cần sớm xây dựng và hình thành dự thảo đề án mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian tới để trình cấp có thẩm quyền.
"Đây là quy hoạch lớn, được tích hợp bởi 2 quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và mạng lưới các trung tâm cai nghiện ma túy với nhiều đối tượng. Việc nghiên cứu, xây dựng chính sách đòi hỏi sự góp ý kỹ của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn…" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng đối tượng ở các cơ sở rất lớn. Căn cứ nhiệm vụ giải quyết các chính sách xã hội theo các quy định của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Luật Người cao tuổi, Luật trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy…hệ thống các cơ sở bảo trợ đang chăm sóc, nuôi dưỡng và giải quyết trợ cấp xã hội trong cộng đồng cho khoảng 3,2 triệu người.
Trong đó có những nhóm đặc biệt khó khăn như: Người già cô đơn, người tâm thần, người nhiễm HIV, trẻ em mồ côi, người cai nghiện, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực bạo hành và các đối tượng cần sự trợ giúp khác…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhận định: "Với 600 cơ sở bảo trợ, ngành LĐ-TB&XH đang chăm sóc, bảo trợ cho khoảng 60.000 đối tượng; 120 cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý cho 37.500 đối tượng. Như vậy, khoảng 100.000 đối tượng đang được quản lý và chăm sóc".
Từ thực tế trên, Thứ trưởng nêu gợi ý vấn đề xây dựng mạng lưới cơ sở giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050 cần đảm bảo phù hợp từng vùng, địa phương, đối tượng và hội nhập quốc tế. Đồng thời, việc xây dựng quy hoạch cần phù hợp với khả năng kinh tế địa phương và tránh tình trạng chéo, không đáp ứng yêu cầu.
Thứ trưởng kỳ vọng Hội thảo thu hút được nhiều ý kiến góp ý đánh giá về quan điểm, nguyên tắc quy hoạch cũng như quy mô, phương pháp phạm vi của quy hoạch. Đặc biệt, cần dự báo quy mô của các nhóm đối tượng cũng như hệ thống các cơ sở trong giai đoạn tới, dự kiến quy hoạch từng địa phương.
Trên cơ sở đó, việc quy hoạch cần đáp ứng nguyên tắc đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù của địa phương, khả năng đầu tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời, việc xác định quy mô phù hợp với các cơ sở.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ để trong quý 3/2021, dự thảo có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Nhiều ý kiến góp ý
Sự đa dạng của đối tượng và xu hướng già hóa dân số. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) lưu ý việc rà soát quy hoạch cần rút kinh nghiệm từ những giai đoạn trước để qua đó để rút ra bài học, bổ sung trong từng lĩnh vực để đưa vào quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó cần chú ý đến cả nhóm đối tượng tự nguyện ở các cơ sở bảo trợ xã hội vì nhu cầu xã hội ngày càng tăng và xu hướng già hóa dân số.
Cân nhắc các yếu tố liên quan. Theo ông Bùi Sĩ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cần làm rõ hơn các yếu tố tác động đến việc quy hoạch để tăng tính thuyết phục của dự thảo quy hoạch, như: Biến đổi khí hậu, lao động di cư, các vấn đề xã hội như trẻ em tự kỷ, bạo lực gia đình, già hóa dân số…
Tính tới đối tượng đặc thù. Theo ông Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), các cơ sở trợ giúp xã hội đang chăm sóc, quản lý nhiều đối tượng đặc thù. Do đó, việc hình thành mạng lưới cần có những trung tâm vùng để đáp ứng nhu cầu hợp lý.
Theo dự thảo Đề án, đến năm 2025, cả nước ước tính có khoảng 3,6 triệu người cần trợ giúp xã hội, gồm 3,1 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 500.000 người có hoàn cảnh khó khăn như nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại, trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố.
Đến năm 2030, ước tính có khoảng 4,2 triệu người cần trợ giúp xã hội. Đến năm 2050, ước tính có khoảng 5,5 triệu người cần trợ giúp xã hội.
Về đối tượng chăm sóc, ước tính của dự án đến năm 2025, số đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 78.000 người. Đến năm 2030, số đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 91.000 người.
Cũng tại Hội thảo, Bộ phận soạn thảo cũng giới thiệu 3 kịch bản phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập cho 3 giai đoạn: Đến năm 2025, năm 2030 và năm 2050…