Những câu chuyện cổ tích có thật dưới mái nhà bảo trợ xã hội Gia Lai
(Dân trí) - Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, các em đã về chung sống trong ngôi nhà đặc biệt - Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai. Nhờ sự chăm sóc của các cán bộ, nhiều em đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định.
"Mầm xanh mọc từ sỏi đá"
Ngôi nhà đặc biệt mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai (Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai) đang nuôi dưỡng 54 em có độ tuổi từ 1 - 22 tuổi. Hầu hết các em là người đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na, Jrai. Các em đều có chung hoàn cảnh đặc biệt, như: Mồ côi, gặp những vấn đề tâm lý, trẻ em lang thang…
Mỗi em đều gặp hoàn cảnh đặc biệt nhưng đều được những người cán bộ tại Trung tâm BTXH tỉnh ân cần chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Dựa vào ưu điểm của mỗi em, trung tâm đều định hướng nghề nghiệp phù hợp nhằm giúp các em trở thành người có ích cho xã hội, tự nuôi sống bản thân mình.
Được xem như người chị cả của Trung tâm BTXH, Kpă H'ơi luôn chăm chỉ học tập và phụ giúp các mẹ chăm sóc đàn em. Theo đó, H'ơi sinh ra tại vùng "chảo lửa" thị trấn Phú Cần (Krông Pa, Gia Lai).
Từ nhỏ, H'ơi đã cùng bố mẹ lên nương mót lúa, hái lá rừng ăn qua bữa. Lên 12 tuổi, H'ơi đã mồ côi bố mẹ nên em được chính quyền hỗ trợ đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai.
Lúc mới vào, em sống cô lập, ít nói và ngại giao tiếp. Nhưng được sự quan tâm, động viên của các mẹ và ban quản lý trung tâm, H'ơi nhận thấy đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Sau một thời gian, H'ơi đã sống cởi mở, vui vẻ hơn. Đặc biệt, từ khi vào trung tâm em được tạo mọi điều kiện tốt nhất để đến trường học tập. Mỗi ngày, H'ơi đều chăm chỉ cùng các bạn cắp sách đến.
Tối về, em lại ngồi một góc rồi ôm sách học bài. Dưới sự chỉ đạo của các mẹ, cán bộ trung tâm, H'ơi đã trở thành cô học trò đạt nhiều thành tích trong lớp học.
H'ơi bộc bạch: "Lúc mới vào, em cũng mặc cảm và buồn lắm. Nhưng thầy cô luôn động viên, định hướng về tương lai để giúp em hoàn thiện bản thân từng ngày. Em vừa lên cấp 3, các cô đã hướng dẫn nghề và tạo điều kiện để em có được công việc như ngày hôm nay".
Sau khi H'ơi hoàn thành chương trình lớp 12, em đã đi học trung cấp điều dưỡng. Ra trường, cô gái người dân tộc Jrai này đã chủ động xin quay về Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai để chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh như mình và người già neo đơn. Không bằng lòng với số phận, H'ơi đã dành dụm tiền để đi học liên thông lên trình độ đại học.
Tiếp nối thế hệ của H'ơi là người em Kpă Khó (SN: 1998, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa). Từ năm lên lớp 6, bố mẹ của Khó đã mất, 7 anh chị em sống nương tựa vào nhau. Vì cuộc sống khó khăn, không có cái ăn nên chính quyền đã hỗ trợ đưa Kpă Khó vào Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai.
Những ngày đầu, Khó toàn khóc, bỏ ăn và đòi về nhà. Các cán bộ trung tâm phải rất kiên trì để động viên để Khó ở lại. Sau nhiều tháng, Khó cũng hòa đồng và cắp sách đến trường như bao bạn cùng trang lứa. Không phụ trông đợi của thầy cô, Khó được đánh giá là cậu học trò sáng dạ với thành tích học tập khiến các bạn nể phục.
Năm 2017, Khó đã đậu vào Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn với số điểm 21. Khó đã chọn học ngành công tác xã hội với mong muốn khi ra trường sẽ trở lại giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Mong các em đều trưởng thành, có nghề ổn định
Theo Ban giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai, trong 54 em đang được nuôi dưỡng nơi đây, có 26 em học tiểu học, 13 em học trung học cơ sở, 2 em học trung học phổ thông, 5 em học nghề và đại học.... Các em đều chấp hành tốt nội quy của Trung tâm cũng như nội quy của nhà trường, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Rất nhiều em đã trưởng thành, thi đậu vào các trường đại học và làm những ngành nghề trong xã hội như: Bác sỹ, đầu bếp, cán bộ xã… Theo quy định, Trung tâm BTXH tỉnh chỉ chăm sóc trở dưới 22 tuổi. Nhưng các em đi học đều quá tuổi nên ở tuổi 22, các em đều đang dang dở chuyện học tập.
Vì thế, Trung tâm luôn chủ động kết nối với các nhà hảo tâm nhằm tìm nguồn tài trợ để tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành khóa học và ra trường có nghề nghiệp ổn định.
Chị Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai, cho biết: "Mỗi em đều có hoàn cảnh đặc biệt. Khi vào trung tâm, các em rất khó hòa nhập, thích nghi với môi trường tập thể. Qua sự gần gũi, động viên của các cán bộ trung tâm thì các em đã vui vẻ, hòa nhập và đến trường học. Khi ở trung tâm, các em có điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi. Và được định hướng, giúp đỡ học nghề phù hợp với bản thân".
Tùy vào năng khiếu, sở thích của mỗi em, Ban giám đốc sẽ tư vấn nghề phù hợp. Khi rời mái nhà của trung tâm, các cháu đều có nghề nghiệp ổn định để tự nuôi sống được bản thân mình.
"Những cháu xuất sắc thi đậu vào các trường CĐ, ĐH. Tuy khó khăn nhưng trung tâm vẫn kêu gọi nhiều nguồn để giúp các cháu hoàn thành ước mơ, ra trường tìm kiếm việc làm", chị Đào cho biết thêm.
Những em tốt nghiệp ra trường đều mong mỏi trở lại với trung tâm để tiếp tục cống hiến, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đang là một chàng sinh viên năm 4, Kpă Khó đã xin về Trung tâm BTXH tỉnh Gia Lai để thực tập.
Ngoài nhiệm vụ thường ngày, Khó đều dùng thời gian rảnh để dạy phụ đạo, làm đồ chơi cho các em ở trung tâm.
"Em lớn lên ở trung tâm và đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của em. Mỗi em nhỏ ở đây đều như em ruột của em. Em luôn muốn các em có thể vượt qua mặc cảm, nỗ lực học tập để trở thành người có ít cho xã hội. Em cũng mong muốn khi ra trường có thể về đây làm việc để có thể giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh như mình", Khó bộc bạch.
Những em như Khó, H'ơi khi về làm việc ở trung tâm đều rất năng nổ, chịu khó. Những điều các em làm đều xuất phát từ tình thương, như người trong một nhà giúp nhau. Các em cũng là những tấm gương sáng để cho trẻ em tại trung tâm học tập, làm theo.