Xây dựng lương hưu hấp dẫn như... cô gái 18
(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, tâm tư của người lao động TPHCM là muốn chế độ hưu trí tốt hơn, xây dựng luật BHXH đẹp lên, hấp dẫn như cô gái 18, ai cũng muốn tham gia.
Chiều 18/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM phối hợp cùng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc với cử tri công nhân lao động, doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Tại hội nghị, cán bộ công đoàn các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố góp ý nhiều về các quyền lợi của người lao động như chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ trừ mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu sớm…
Nội dung được các đại biểu góp ý nhiều là quy định hưởng BHXH một lần. Hầu hết các đại biểu ở kỳ tiếp xúc này đều chọn phương án 1; tức là, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến là ngày 1/7/2025) sẽ không được rút một lần, những người tham gia BHXH trước thời điểm này vẫn được rút một lần như quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ công đoàn công ty cơ khí Đại Dũng, cho biết: "Qua nắm tình hình, tâm tư của người lao động doanh nghiệp, hiện người lao động vẫn có nhu cầu hưởng BHXH một lần. Khi có thông tin 2 phương án, anh em có nguyện vọng chọn phương án 1. Kiến nghị Đoàn ĐBQH TPHCM quyết định phương án 1".
Ông Hùng cũng đề nghị song song với biện pháp hạn chế rút BHXH một lần trên, luật cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động không được rút BHXH 1 lần (những người tham gia BHXH sau ngày 1/7/2025). Bởi nguyên nhân rút BHXH một lần của công nhân chủ yếu là cuộc sống gặp khó khăn, buộc họ phải rút.
Chị Ngô Thị Mỹ Kha, cán bộ công đoàn công ty TNHH Lạc Tỷ, cho biết: "Ai cũng muốn mình về già được lãnh lương hưu, đảm bảo an sinh tuổi già. Nhưng 22 năm làm công nhân nên tôi biết người lao động rút BHXH một lần vì không có tích lũy. Nếu có tích lũy để xử lý những lúc khó khăn thì không ai rút".
"Không có tích lũy thì khi có sự cố họ không có một khoản để lo. Con cái ốm đau, cha mẹ ở quê có chuyện… là họ phải rút 1 lần. Tôi biết là có nhiều chính sách tín dụng cho công nhân vay vốn. Nhưng vay thì phải trả. Bình thường đã không có tích lũy thì làm sao để trả?", chị Kha cho biết thêm.
Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với chị Kha, ai cũng nhất trí là người lao động luôn mong muốn có lương hưu và biết tính ưu việt của chế độ hưu trí như có lương hằng tháng, được bảo hiểm y tế miễn phí, khi chết có mai táng phí, tiền tử tuất…
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn công ty TNHH PouYuen Việt Nam, khẳng định: "Công đoàn tuyên truyền rất nhiều, anh em công nhân cũng hiểu là lương hưu lợi nhiều lắm".
"Về già ngồi cà phê với bạn bè, nghe ting ting là biết có lương về, hãnh diện với bạn bè. Mình muốn ăn gì, đi chơi đâu cũng được, không cần phải đi xin tiền, nhìn mặt con cháu. Chết thì có mai táng phí, tiền tuất là yên tâm nhắm mắt, không phiền hà đến ai", ông Nghiệp nói.
Theo ông Củ Phát Nghiệp, trở ngại lớn nhất hiện nay là chính sách hưu trí chưa đủ hấp dẫn, lương hưu tính bình quân toàn bộ quá trình đóng quá thấp.
Ông cho rằng: "Muốn hạn chế tình trạng rút BHXH một lần thì phải cải thiện chế độ hưu trí. Cụ thể, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu, có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập…".
Nhiều đại biểu khác đồng tình và đề nghị nhiều chính sách để chế độ hưu trí hấp dẫn hơn như: quy định lương hưu tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng, cho người về hưu vay vốn tín dụng để làm ăn, không trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi nghỉ hưu sớm, tính bình quân lương đóng BHXH chỉ trong thời gian 5 hoặc 10 năm cuối…
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, trăn trở: "BHXH hoạt động chủ yếu theo nguyên tắc đóng - hưởng. Trong khi đó, người lao động và người sử dụng lao động luôn muốn đóng mức thấp nhưng khi hưởng thì người lao động lại muốn hưởng cao hơn. Điều đó không thực tế".
Theo bà, dự án Luật BHXH sửa đổi có đề xuất tính đúng, tính đủ thu nhập của người lao động làm căn cứ đóng BHXH cũng là một cách để tăng lương hưu vì đóng nhiều mới hưởng nhiều.
Do đó, trách nhiệm của công đoàn là phải tuyên truyền cho người lao động hiểu muốn lương hưu cao thì mức đóng BHXH phải cao, phải biết đấu tranh để được đóng BHXH ở mức cao hơn.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ: "Tâm tư của người lao động thành phố là xây dựng luật BHXH làm sao cho đẹp lên, hấp dẫn lên, như cô gái 18 vậy, ai cũng muốn tham gia, xây dựng quá trình đóng BHXH như xây dựng cuộc đời mình vậy".
Để làm được điều đó, bà đề xuất cần có các điều khoản ưu đãi cho những người tham gia BHXH suốt cuộc đời lao động của họ. Nếu người lao động không rút BHXH một lần nào trong đời thì được hưởng mức lương hưu cao hơn cả mức tối đa 75%, cho người lao động 1 khoản thưởng 5%-7% mức hưởng lương hưu để họ gắn bó với BHXH, an tâm khi về hưu.
"Các chính sách đi kèm dành cho những người như vậy phải cao hơn rất nhiều người đã từng rút BHXH một lần. Phải làm cho người lao động về hưu là an tâm, chỉ cần đi du lịch, thăm con cháu chứ không phải lo lắng gì nữa", bà Diệu Thúy nhấn mạnh.