1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Xâm hại trẻ em trên mạng xã hội gia tăng trong dịch Covid-19

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, khi dịch Covid-19 bùng phát, trẻ em buộc phải ở nhà và học online, thời gian tiếp cận internet càng nhiều thì khả năng bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn.

Xâm hại trên mạng đứng đầu các vấn nạn học đường

Phát biểu tại hội thảo chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng", do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 16/10, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trên môi trường mạng, trẻ em có thể tiếp cận nhiều nội dung xấu, độc và có nguy cơ bị xâm hại rất cao.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng nhận định, môi trường mạng tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ em. Nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, các em buộc phải học online, thời gian tiếp cận internet càng nhiều thì khả năng bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn.

Tiến sĩ Hoàng Tuấn Ngọc (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ một kết quả khảo sát của mình trong nhóm học sinh trung học cơ sở ở TPHCM cho thấy, trong 7 nhóm vấn đề lớn mà học sinh gặp phải, đứng đầu là xâm hại trên môi trường mạng với 30% số học sinh tham gia khảo sát trả lời.

Xâm hại trẻ em trên mạng xã hội gia tăng trong dịch Covid-19 - 1

Có những xung đột trên mạng xã hội giữa các em học sinh dẫn đến bạo lực ngoài đời thực (Ảnh minh họa cắt từ clip).

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá việc tiếp cận internet sớm giúp trẻ em có điều kiện khám phá nhiều kiến thức mới. Tuy nhiên, mặt trái là sẽ có nhiều thông tin không có sự kiểm duyệt, trẻ em chưa có ý thức bảo vệ mình rất dễ bị xâm hại bằng nhiều hình thức.

Hành vi xâm hại trên mạng thể hiện rất đa dạng, như đe dọa đăng hình ảnh nhạy cảm lên mạng, phát ngôn thù ghét, công kích bằng lời, cưỡng bức xem hình ảnh nhạy cảm, hù dọa, thách thức, bêu xấu…

Theo bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Quản lý Chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women), bạo lực trên môi trường mạng xảy ra nhiều nhất trên các mạng xã hội, cao nhất là facebook. Trong thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, trẻ tiếp xúc mạng xã hội nhiều, học online nhiều thì nguy cơ bị xâm hại càng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bị hại không khác gì ngoài đời thực.

Bà kể từng tham dự một hội nghị trực tuyến toàn chuyên gia, nhà khoa học quốc tế mà vẫn bị hack, cả hội nghị phải xem những hình ảnh nhạy cảm, lời chửi bới khủng khiếp suốt 10 phút mới khắc phục được. Những vụ quấy rối như thế xảy ra rất nhiều trong các lớp học online.

Xâm hại trẻ em trên mạng xã hội gia tăng trong dịch Covid-19 - 2

Nhiều buổi học online bị xâm nhập và trình chiếu hình ảnh không phù hợp (Ảnh chụp màn hình).

Quyết liệt từ gia đình và cộng đồng

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Chăm sóc Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), đơn vị của bà đã thành lập một nhóm cập nhật thông tin trên mạng xã hội hàng ngày để phát hiện những vụ việc xâm hại trẻ em, tiếp nhận và chuyển xuống các địa phương xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý chỉ là cách xử phạt, răn đe khi sự việc đã xảy ra. Còn việc ngăn chặn nguy cơ mới là giải pháp căn bản thì rất khó khăn, không phải chỉ riêng cơ quan quản lý làm được.

Bà Kim Thanh nhấn mạnh, chính cha mẹ là người bảo vệ trẻ em đầu tiên. Trong thời đại công nghệ này, cha mẹ phải trang bị kiến thức để có thể tư vấn, hướng dẫn con em mình tự bảo vệ trên môi trường mạng.

Theo Trưởng phòng Chăm sóc Bảo vệ trẻ em, có những trường hợp cha mẹ thiếu kiến thức bảo vệ con, để các youtuber khai thác hình ảnh riêng tư của con em mình đưa lên mạng xã hội.

Bà Kim Thanh dẫn chứng câu chuyện một youtuber nhân danh kêu gọi hỗ trợ cho bé gái bị xâm hại, quay clip lời kể của bé về toàn bộ quá trình em ấy bị kẻ xấu xâm hại rồi đăng lên mạng.

Dù trên clip, mặt bé gái đã được che mờ nhưng các đặc điểm nhận dạng khác như giọng nói, đặc trưng nơi cư trú qua câu chuyện… có thể khiến người quen biết nhận ra.

Theo bà Kim Thanh, những hình ảnh này sẽ gây ra nhiều hệ quả cho trẻ sau này, có người ngộ nhận là làm việc tốt nhưng thực ra là đang xâm hại quyền bí mật riêng tư của trẻ.

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất để hạn chế vấn nạn này cần có sự kết hợp nhiều giải pháp với sự chung tay của cả gia đình, cơ quan quản lý nhà nước và cả xã hội.

Hành động quan trọng nhất là phải nhận diện các hành vi xâm hại trẻ trên mạng, cha mẹ và cộng đồng quyết liệt phản ứng, thông báo cơ quan quản lý có chế tài xử lý để răn đe.

Xâm hại trẻ em trên mạng xã hội gia tăng trong dịch Covid-19 - 3

Tổng đài 111 hiện là đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin tố cáo hành vi xâm hại trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, hiện công tác bảo vệ trẻ em đang được Chính phủ đẩy mạnh và có nhiều bước tiến đáng kể. Việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng cũng đã có khung pháp lý khá đầy đủ, có những quy định chặt chẽ để xử lý với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng.

Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 với những hành động quyết liệt, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với nhiều đơn vị tham gia.

"Hiện Bộ LĐ-TB&XH có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Thông tin phản ánh về tổng đài sẽ được chúng tôi giải quyết, kết hợp cơ quan công an xử lý ngay", Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.