1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vụ nữ sinh bị người yêu sát hại: "Soái ca" rất hiếm, "sói ca" thì đầy!

Hoài Nam

(Dân trí) - Vụ nữ sinh Học viện Ngân hàng bị bạn trai sát hại cho thấy mối nguy hiểm với các cô gái trẻ có thể đến từ người yêu. Các chuyên gia khuyến cáo, cần dạy các bạn trẻ cách... "bảo vệ trái tim".

Mất mạng trong tay... bạn trai

Trên đường đi làm thêm về, nữ sinh viên Học viện Ngân hàng 19 tuổi, ở TPHCM bị bạn trai đoạt tính mạng với nhiều nhát dao oan nghiệt. Thông tin ban đầu, cậu bạn trai cùng tuổi giết hại bạn gái vì mâu thuẫn tình cảm. 

Nhiều người chia sẻ cảm giác đau thắt ở lồng ngực, không thở nổi trước thông tin này. Được biết, cô nữ sinh là lớp trưởng năng nổ, có thành tích học tập tốt, nhận được nhiều học bổng và đang hướng đến mục tiêu du học. 

Vụ nữ sinh bị người yêu sát hại: Soái ca rất hiếm, sói ca thì đầy! - 1

Hiện trường sự việc nữ sinh ngân hàng bị bạn trai sát hại (Ảnh: CTV).

Cô gái trẻ ở độ tuổi thanh xuân sôi nổi, tương lai rộng mở nhất đã chấm dứt cuộc đời ở tuổi 19, chết trong đau đớn tận cùng.

Còn nhớ đầu năm nay, dư luận cũng bàng hoàng, đau đớn trước sự việc nữ sinh lớp 10 ở Hà Nam chết dưới tay bạn trai. Cô gái về nhà bạn trai ngủ qua đêm rồi sau đó bị bạn trai bóp cổ tới chết mà theo lời khai của thủ phạm, lý do là vì... sợ bố mẹ phát hiện. 

Liệt kê không hết các vụ việc thiếu nữ mất mạng bởi chính người được gọi là bạn trai, người yêu - người mà các cô gái dành tình cảm, quan hệ mật thiết. Bị bạn trai giết vì mâu thuẫn tình cảm, bị bạn trai giết vì ghen tuông, bị bạn trai giết vì đòi chia tay, bị bạn trai giết vì từ chối cưới, bị bạn trai giết vì không cho quan hệ tình dục... 

Mỗi người, từ nhỏ hay được dạy phòng, tránh xa người lạ nhưng không một ai dạy con trẻ, người dễ làm hại mình nhất, thậm chí lấy đi tính mạng của mình lại là người yêu. Nhiều nghiên cứu về vấn nạn xâm hại tình dục chỉ ra, người gây ra hành vi cưỡng hiếp chiếm tỷ lệ cao nhất là người yêu, với gần 22%, còn người lạ chỉ chiếm 2%. 

Nhà viết sách giáo dục trẻ em Trần Thu Hà bày tỏ: "Mình không sợ con gái thi trượt hay sợ con dùng thực phẩm thiếu an toàn bằng việc con bước vào yêu. Mình sợ những nguy hiểm từ cách con yêu, từ người con chọn để yêu và chọn để tin".

Ngay trong việc phòng tránh xâm hại, bảo vệ bản thân, bà Hà cho hay, chủ yếu chúng ta chỉ nhấn mạnh việc đề phòng người lạ, dạy các con tránh xa người lạ. Nhưng con chúng ta đã, đang và sẽ chết vì những người con yêu nhiều nhất.

Trong khi, người lạ cướp giật có thể chỉ cướp được một chiếc túi xách, một cái điện thoại thì người yêu có thể làm con mất cả cuộc đời. Mỗi người có thể dễ dàng rời xa người lạ nếu họ gây hại với mình, nhưng rất khó khăn để chống đỡ lại người yêu, cho dù nhìn thấy họ đang hủy hoại mình. 

Quên bảo vệ... trái tim

Từ góc độ y tế, pháp luật, đã có căn cứ chứng minh cho quy định nam thanh nữ tú 18 - 20 mới đủ tuổi, đủ sức khỏe lập gia đình. Nhưng không ai có thể quy định tuổi... yêu, không ai trả lời được bao nhiêu tuổi thì được yêu, nên yêu. Tình yêu có thể đến với bất cứ ai, từ đứa trẻ mới vài ba tuổi đến cụ ông cụ bà đã ở tuổi gần đất xa trời. 

Nhưng trước 18 tuổi, tất cả những gì trẻ được dạy, được chỉ dẫn hầu hết chỉ là làm sao học thật giỏi các môn văn hóa, tiếng Anh, năng khiếu đủ kiểu... Không ai dạy trẻ cách yêu, dạy trẻ bảo vệ cơ thể, bảo vệ trái tim mình. 

Trước khi trẻ vào lớp 1, bố mẹ nhốn nháo tìm kiểu bút nào con dễ cầm nhất, ghế nào, bàn nào chống gù lưng... Con lớn hơn chút, phụ huynh chúng ta quan tâm tìm cho con nào là loại quần áo thấm hút mồ hôi, đôi giày đi sao cho khỏi đau chân, lo cho học thêm, học trước đủ kiểu... 

Vụ nữ sinh bị người yêu sát hại: Soái ca rất hiếm, sói ca thì đầy! - 2

Người có thể gây nguy hiểm nhất cho các cô gái trẻ là người yêu (Ảnh minh họa).

Còn thứ quan trọng và dễ thương tổn nhất của đời người là trái tim, là tình cảm thì ai chỉ dẫn các em?

Chuyện yêu đương học hò hiện vẫn là "vùng cấm" trong giáo dục gia đình và nhà trường. Không những không được hỗ trợ mà khi bị phát hiện về những rung động đầu đời, trẻ còn có thể bị phủ đầu "lo mà học đi, nứt mắt đã yêu đương".

Các em không được chỉ dẫn cách chọn người mà yêu, cách giữ an toàn khi yêu, giữ phẩm giá và cả giữ tính mạng khi yêu, không tìm được chỗ để sẻ chia, để ẩn náu khi gặp mâu thuẫn tình cảm. Nhiều em rút vào yêu đương lén lút, hoạt động bí mật... Và nhiều bi kịch từ đó mà ra, từ chuyện yêu qua mạng, còn không biết tên tuổi thật của đối phương tới chuyện nạo phá thai, bị người yêu bạo hành hay cả mất mạng vì tình... 

Anh Huỳnh Chí Viễn, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tâm lý tại TPHCM cảnh báo, chuyện, phim ảnh ngôn tình tô vẽ hình ảnh lung linh về "soái ca". Trên thực tế "sói ca" thì đầy còn "soái ca" rất hiếm. Sự nhìn nhận ngây thơ và sai lệch có thể biến các thiếu nữ thành mồi ngon của những kẻ xấu, thành nạn nhân của những bi kịch. 

Thay vì cấm đoán và kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ của con cái mới lớn, ông Huỳnh Chí Viễn nhấn mạnh, bố mẹ nên cởi mở và khuyến khích con cái tâm sự với mình về những người bạn, bạn trai và bạn gái.  Nếu để các em vì sợ hãi do sự nghiêm khắc thái quá của cha mẹ mà giấu giếm hoặc nghe lời kẻ xấu xúi giục rất dễ xảy ra những chuyện không hay. 

Đừng dạy trẻ chỉ biết học, hãy dạy trẻ biết cách yêu. Việc dạy trẻ yêu luôn phải bắt đầu từ trong gia đình, từ việc yêu thương, chia sẻ và đồng hành cùng bố mẹ.