Vụ bố ném con xuống sông: Lên tiếng để không còn những sự việc đau lòng!
(Dân trí) - Sự việc bố ruột ném con gái xuống sông khiến ai cũng đau lòng. Những hành động bột phát, điên rồ ấy có thể ngăn chặn từ "trong trứng nước" nếu mỗi người không làm ngơ, cùng lên tiếng.
Lên án bạo lực gia đình
Tại hội thảo "Vòng tròn bình an - Mối quan hệ giữa bình đẳng giới và hạnh phúc" do nhóm cựu du học sinh Australia tại Việt Nam tổ chức, gần 50 đại biểu tham dự đều không khỏi xót xa khi nhắc đến vụ án cha ruột ném con xuống sông vừa xảy ra ở Quảng Nam.
Các đại biểu nhắc lại những vụ xung đột gia đình dẫn đến con trẻ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua như vụ bé gái 8 tuổi bị bạn gái của cha đánh chết, bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu...
Theo các chuyên gia tâm lý và hoạt động xã hội tham dự hội thảo, nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng trên hầu hết đều xuất phát từ các xung đột trong quan hệ hôn nhân, gia đình mà người trong cuộc không có kỹ năng giải quyết vấn đề, điều chỉnh trạng thái tâm lý rồi dẫn đến những hành động rất khó tin, rất đau lòng và tàn bạo.
Nói về vụ cha ném con xuống sông, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), chia sẻ: "Trong cơn giận dữ, anh ta không biết ứng xử như thế nào, cảm xúc bất lực ấy dẫn đến những hành động điên rồ".
Theo bà, khi mỗi người không biết cách giải quyết những thách thức nội tại bên trong suy nghĩ của mình, ứng xử đúng cách với tức giận trong lòng thì một lúc nào đó có thể bộc phát thành những hành vi điên rồ như thế, làm những chuyện rất khó tin nhưng nó vẫn xảy ra.
Ngoài ra, môi trường xã hội xem nhẹ các hành vi bạo lực gia đình, xem việc chồng đánh vợ con là bình thường, không mấy ai lên tiếng bênh vực nạn nhân, phê phán người gây ra bạo lực cũng là tác nhân lớn thúc đẩy những vụ án đau lòng như trên xảy ra. Bởi môi trường xã hội như vậy dẫn đến tâm lý gia trưởng, dễ nảy sinh hành vi bạo lực của người đàn ông đối với vợ, của cha mẹ đối với con cái.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương bức xúc thốt lên: "Hết dì ghẻ đánh chết bé gái 8 tuổi rồi đến cha dượng đóng đinh vào đầu con riêng của vợ. Giờ lại là cha ruột ném con xuống sông. Nghe rất đau lòng, quá tàn bạo. Chúng ta phải lên tiếng, phải hành động chứ không thể để tình trạng này xảy ra mãi được!".
Theo bà, những người văn minh trong xã hội cần phải lên tiếng lên án những hành vi bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em, những hành vi dạy dỗ con cái bằng bạo lực và mạt sát... Khi các hành vi này bị cả xã hội lên án thì sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình đang xảy ra hàng ngày.
Bắt buộc học kiến thức hôn nhân gia đình
Bà Nguyễn Vân Anh cho rằng, ngoài các giải pháp tuyên truyền thì cơ quan chức năng cần có quy định để trang bị kiến thức hôn nhân cho người có ý định kết hôn. Bởi nhiều người trẻ hiện nay tiến đến hôn nhân trong khi chưa có kiến thức tiền hôn nhân, hậu ly hôn. Lỗ hổng này dẫn đến các xung đột gia đình và những vụ án đau lòng khi các xung đột gia đình không được giải quyết một cách văn minh, bởi những người có kiến thức.
Bà Vân Anh chia sẻ: "Điều rất lạ là trong khi người ta điều khiển một cỗ máy như chiếc xe mô tô cũng cần phải học luật giao thông, phải thi lấy chứng chỉ... thì bước vào hôn nhân là gắn bó cuộc đời với một con người, đẻ ra những con người mới và nuôi dạy nửa đời người mà không phải học gì, không cần chứng nhận gì...".
Về kiến thức hậu ly hôn, bà Vân Anh đánh giá, là nội dung quan trọng không kém các kiến thức duy trì hôn nhân. Bởi tình trạng ly hôn ngày càng phổ biến mà xung đột vợ chồng sau ly hôn càng có mức độ bạo lực nguy hiểm hơn rất nhiều, gây thiệt hại nặng nề nếu không biết cách xử lý phù hợp.
Cách an bài cho những đứa con chung sau ly hôn cũng là một kiến thức hậu ly hôn quan trọng cần phải học. Những vụ án đau lòng kể trên đều có chung một điểm là cách ứng xử của người lớn với đứa con khi xảy ra xung đột hôn nhân.
Đôi lúc, đứa trẻ trở thành nhân chứng của tình yêu trước, với người cũ, của người tình đang chung sống với mình, nhân chứng tình yêu đã chết của hai vợ chồng đã rạn vỡ vì ghen tuông... Và khi mâu thuẫn nội tại khó giải quyết, người lớn đã có những hành vi khó lường.
Phát biểu tại hội thảo, bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam - cho biết: "Tương tự như nhiều nước trên thế giới, đại dịch Covid-19 được ghi nhận là góp phần làm gia tăng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam".
Australia đã hỗ trợ Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFTA và Chính phủ Việt Nam thực hiện nghiên cứu quốc gia thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) đã từng bị bạo lực bởi chồng, hoặc bạn tình.
Theo bà, chúng ta còn nhiều việc phải làm để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái có cuộc sống an toàn.