Bố ném con xuống sông: Giận vợ, giận chồng trút hận vào trẻ!
(Dân trí) - Đã có không ít đứa trẻ bị tước đi mạng sống từ việc bố mẹ mẫu thuẫn, cãi vã, như trường hợp bé gái 5 tuổi ở Quảng Nam bị bố ném xuống sông, gây bàng hoàng dư luận.
Bố mẹ mâu thuẫn, trẻ mất mạng
Hai ngày nay, dư luận không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, đau đớn trước sự việc Trần Văn Viên ở Quảng Nam ném con gái 5 tuổi xuống bến phà Tam Hải, sông Trường Giang.
Theo lời bà ngoại cháu bé, khi Viên đến nhà bà bế con gái đi, trên tay bé gái vẫn còn ôm con búp bê và bình sữa.
Hình ảnh camera an ninh ghi lại, ông bố này bế con ra bến phà, thẳng tay quẳng con xuống sông, nhanh hơn cả quăng một bịch rác, không một chút lấn cấn. Giây phút cuối cùng cuộc đời, chắc hẳn bé gái đã sợ hãi, hoảng loạn tột độ khi bị bố bế đi trong trạng thái điên cuồng, đầy sát khí. Rồi con ra đi, trong tức tưởi, chới với giữa dòng nước lạnh lẽo.
Thông tin ban đầu, vì ghen tuông, giận vợ khi gọi điện vợ không nghe máy, nghi vợ ngoại tình, Viên đã ra tay sát hại con. Hắn ta giết con như một cách trả thù vợ.
Mâu thuẫn, cãi vã trong đời sống vợ chồng, khi không tìm được cách dung hòa, giải quyết, nhiều người có đủ cách trả thù đủ cấp độ, từ êm ái đến kinh dị, từ cấm khẩu, cấm "yêu", "ông ăn chả bà ăn nem" cho đến đốt nhà, tạt axit, hạ sát đối phương...
Tận cùng của khốn nạn là việc những ông bố mẹ "giận cá chém thớt", uất ức bạn đời lại quay sang nhắm vào con cái, lấy con ra để trút hận. Và đỉnh điểm của cái ác là họ tước đoạt đi tính mạng của con trẻ vì cơn giận, nỗi hận của mình.
Đâu chỉ mỗi một bé V. bị bố ném xuống sông. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, không ít đứa trẻ bị chính bố mẹ ruột đang tâm tước đi mạng sống một cách đau đớn, oan nghiệt. Hàng loạt vụ án con trẻ bị bố mẹ giết hại xuất phát từ cãi vã, mâu thuẫn vợ chồng.
Cách đây không lâu, người mẹ Đỗ Thị Yến Nhi (SN 1994) ở Bến Tre, vì giận chồng đã bế con trai mới 3 tuổi về nhà mẹ đẻ. Trong lúc tắm cho con, Nhi dùng khăn tắm siết cổ con đến chết vì uất ức với chồng.
Vụ án xảy ra tại Kiên Giang vừa qua, xảy ra cãi cự, vợ bỏ nhà đi, ông bố Nguyễn Văn Nhì nhẫn tâm giết chết con trai 3 tuổi, còn bản thân tự tử nhiều lần nhưng không thành.
Trước tòa, Nhì bị tuyên 12 năm tù. Những giọt nước mắt hối lỗi của người cha không thể đưa đứa trẻ chết oan ức trở về.
Rồi một người mẹ trẻ ở Bến Tre, dùng khăn tắm siết cổ con đến chết vì giận chồng...
Bên cạnh những cái chết đau đớn đó, còn biết bao đứa trẻ phải sống trong cảnh đọa đày, chảy nước mắt khi bố mẹ mâu thuẫn, cãi vã hàng ngày. Cãi không lại với vợ, chửi con; đánh không lại với chồng, quay sang bạt tai, đòn roi trẻ... Con trẻ trở thành nơi hứng hết những độc hại, hằn thù ngay trong gia đình, ngay từ chính bố mẹ.
Bước vào hôn nhân, cần kiến thức, trách nhiệm
Gia đình là nền tảng của xã hội nhưng phải nói thực trạng mỗi ngày, mỗi người đang phải chứng kiến sự lung lay, đổ vỡ trong gia đình. Tỷ lệ ly hôn tăng cao, hàng loạt vụ việc đau lòng bắt đầu từ bạo hành, bi kịch, mâu thuẫn gia đình...
Khủng hoảng gia đình kéo theo nhiều hệ lụy trút lên những đứa trẻ, đối tượng yếu thế nhất, chưa có khả năng tự bảo vệ. Khi bố mẹ cãi vã, con nhỏ trở thành bao cát để người lớn tống khứ uất hận; bố mẹ ly hôn, con cái thành "món nợ" vướng víu...
Cách đây không lâu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Học viện Cảnh sát nhân dân chỉ ra thực tế, vấn nạn xâm hại trẻ em có trách nhiệm rất lớn của gia đình. Ông đưa ra đề xuất bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân làm một điều kiện đăng ký kết hôn trong luật Hôn nhân gia đình.
Ông Thủy nhấn mạnh, những người muốn kết hôn cần phải trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình. Trong đó, phải học kiến thức làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái.
Những ý kiến tương tự lâu nay cứ xới lên, tranh luận rồi lại sớm chìm đi. Nhưng không thể trễ hơn, đã đến lúc xem đây là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc, từ cá nhân, gia đình, trường học và cả trong các chính sách, quy định, để làm sao mỗi người trẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân phải hiểu được trách nhiệm của mình với gia đình, đặc biệt là trách nhiệm với cuộc đời của những đứa trẻ chính mình tạo ra.
Nếu không phải từ chính bố mẹ, từ sự bền vững, bảo vệ ngay trong gia đình thì những bi kịch đau thương với con trẻ sẽ chưa thể dừng lại...