Vợ bị chồng ngoại quốc đoạt mạng vì mải bấm điện thoại: Vết nứt đáng sợ!
(Dân trí) - Sự việc người đàn ông Hà Lan sát hại vợ người Việt Nam, lý do vì người vợ liên tục xem điện thoại khiến nhiều người phải suy ngẫm. Phải chăng, công nghệ đang khiến con người xa nhau hơn.
Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Kenter Jaco Bus Johansen, 63 tuổi, quốc tịch Hà Lan, sinh sống ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - nghi phạm dùng con dao bếp sát hại người vợ kém 10 tuổi. Họ kết hôn vào năm 2010.
Tại cơ quan công an, người đàn ông này khai nhận, ngày xảy ra sự việc, ông cùng vợ và con gái riêng của vợ cùng một số người khác đi ăn. Tại tiệm ăn, người chồng nhiều lần lên tiếng nhắc nhở khi bà D. liên tục xem điện thoại, không tập trung vào bữa ăn. Người đàn ông này bỏ về trước khi hai vợ chồng xảy ra cãi vã.
Khoảng 2 tiếng sau, khi bà D. trở về nhà, hai người tiếp tục xảy ra tranh cãi. Đỉnh điểm, ông Johannes không kìm được tức giận, xuống bếp lấy dao đâm bà D. nhiều nhát dẫn đến án mạng.
Sự việc liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội, đâu đó kèm cả câu nhắc nhở "cẩn thận dùng điện thoại".
Thủ phạm sẽ phải trả giá cho hành vi tước đoạt tính mạng người khác nhưng sự việc một lần nữa cảnh báo vết nứt trong quan hệ hôn nhân, gia đình xuất phát từ cách sử dụng công nghệ, điều mà giờ đây ai ai cũng đang phải đối mặt.
Trước đó, đã từng xảy ra không ít vụ án chồng sát hại vợ liên quan đến việc sử dụng điện thoại. Cách đây không lâu, tại Quảng Ngãi, ông Võ Đình Thiện, 56 tuổi bị bắt giữ về tội giết người, nạn nhân là vợ của hung thủ.
Ngày xảy ra án mạng, người chồng này nhậu say và đi ngủ. Nhưng giữa đêm khuya, khi tỉnh giấc đi vệ sinh, Thiện thấy vợ vẫn còn thức, ngồi ở phòng khách bấm điện thoại nên bực tức, cầm búa đánh vào đầu vợ...
Tại Cần Thơ, gã "chồng hờ" Trần Khánh Vân bị tuyên phạt 15 năm tù về tội giết người. Trong thời gian chung sống với phụ nữ cùng tuổi và đã có hai con chung, đối tượng tỏ ra khó chịu, nghi ngờ khi vợ thường xuyên bấm điện thoại, ăn nói cộc cằn.
Nghi ngờ vợ ngoại tình, hết tình cảm với mình, vào một ngày giữa trưa tháng 5/2020, khi thấy vợ nằm trên võng bấm điện thoại, Vân đã nảy sinh ý định giết vợ rồi sẽ tự vẫn.
Đối tượng dùng dao chém vào đầu và mặt vợ rồi quay sang tự cắt cổ mình. Nhờ được người xung quanh phát hiện, cứu giúp kịp thời nên cả hai qua cơn nguy kịch...
Giữa các vụ án này có một điểm chung là "vết nứt" trong hôn nhân bắt đầu từ chuyện công nghệ chiếm lĩnh cuộc sống, sự có mặt của "thành viên mới trong gia đình" là chiếc điện thoại. Cảm giác người đối diện, nhất là người bạn đời tập trung vào điện thoại mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc ăn uống, trò chuyện... không hề dễ chịu. Đó là cảm giác không được tôn trọng, không được quan tâm...
Và không phải ai cũng đủ khả năng vượt qua cảm giác khó chịu đó, điển hình như thủ phạm trong những vụ án trên.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tác động của công nghệ đến mối quan hệ hôn nhân. Mà không chỉ trong mối quan hệ vợ chồng, câu chuyện "tập trung vào điện thoại, bỏ quên tất cả" còn ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ khác, như giữa bố mẹ và con cái, giữa bạn bè, giữa đồng nghiệp...
Hình ảnh giữa một bữa ăn, cuộc gặp mặt, trò chuyện... mà mọi người đều tập trung vào chiếc điện thoại của mình đã trở nên quá quen thuộc. Ở đó, cha mẹ không lắng nghe con cái nói, con cái không nghe tiếng cha mẹ, bạn bè không nghe nhau trò chuyện...
Thiết bị công nghệ ra đời với mục đích gắn kết, giúp cho việc liên lạc giữa mọi người thuận lợi hơn, con người gần với nhau hơn. Vậy nhưng, khi lệ thuộc vào công nghệ, con người lại tự đẩy những người thân ra xa hơn...
Một khảo sát gần đây chỉ ra, với hơn 60 triệu người dùng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới.
Thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Ngoài giới trẻ, lượng người lớn tuổi "nghiện" điện thoại, mạng xã hội cũng không kém cạnh. Giờ đây, nhìn đâu cũng có thể thấy người lớn tuổi cầm điện thoại lướt mạng, xem TikTok, livestream...
Đáng chú ý, một số nghiên cứu cũng chỉ ra, hầu hết người sử dụng mạng xã hội không nắm rõ cách thức, giới hạn sử dụng thiết bị công nghệ di động.
Không ít người "lạc lối", quên cảnh báo khi cầm chiếc điện thoại lên, rất có thể mỗi người đang đặt mối quan hệ tình cảm vợ chồng, con cái, bạn bè xuống dưới.
Trong một chương trình tư vấn dành cho phụ nữ tại TPHCM, một người vợ, người mẹ đặt câu hỏi làm sao để hạnh phúc gia đình không bị ảnh hưởng bởi công nghệ khi mọi người trong nhà đều chỉ "chúi mũi" vào điện thoại.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) chia sẻ, mỗi gia đình cần đề ra nguyên tắc chung trong việc sử dụng thiết bị công nghệ. Sinh hoạt gia đình cần có những bối cảnh, không gian chung như ăn uống, trò chuyện, đi dạo... mà ở đó, các thành viên phải cất điện thoại chỗ khác. Có như vậy mới có thể tạo gắn kết, tránh những tổn thương, vết nứt trong mối quan hệ gia đình.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh, khi bước vào hôn nhân, mỗi người cần phải học cách quản lý cảm xúc, tránh để cảm xúc tiêu cực dẫn đến những hành vi gây hại đến người khác.