Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng về người khuyết tật

Gia Đoàn

(Dân trí) - Hội nghị Bộ trưởng G7 mở rộng với chủ đề "Bao trùm và Người khuyết tật" có ý nghĩa lịch sử khi Italia lần đầu tiên đưa vấn đề người khuyết tật vào chương trình nghị sự của G7.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng G7 mở rộng về "Bao trùm và Khuyết tật" tại Italia, từ ngày 14-16/10 theo lời mời của bà Alessandra Locatelli, Bộ trưởng phụ trách Người khuyết tật Italia.

Hội nghị Bộ trưởng G7 mở rộng về "Bao trùm và khuyết tật" có ý nghĩa lịch sử khi lần đầu tiên Italia đưa ra sáng kiến thúc đẩy vấn đề người khuyết tật vào Chương trình nghị sự.

Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng về người khuyết tật - 1

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thăm, tặng quà các em thiếu nhi Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, Hưng Yên (Ảnh: Thành Đông).

Đây là cơ hội để chia sẻ với G7 và các cơ quan, tổ chức liên quan về chiến lược và cam kết về người khuyết tật nhằm chống phân biệt đối xử và đảm bảo tất cả mọi người có quyền tham gia cuộc sống dân sự, xã hội, chính trị đầy đủ.

Ngoài các Bộ trưởng G7, nước chủ nhà Italia còn mời Bộ trưởng đến từ 4 quốc gia khác bao gồm Chile, Kenya, Tunisia và Việt Nam, cùng với các tổ chức quốc tế như Ủy ban Châu Âu và Hiệp hội Phát triển Quốc tế.

Bộ trưởng phụ trách về Người khuyết tật Italia Alessandra Locatelli đánh giá, Việt Nam là nước có nhiều thành tích nổi bật trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật, có nhiều điểm tương đồng với Italia trong lĩnh vực này và sẽ có những chia sẻ góp phần vào thành công của hội nghị.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng G7 sẽ thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến người khuyết tật, bao gồm: ưu tiên bao trùm trong chương trình nghị sự quốc gia; khả năng tiếp cận phổ quát và quản lý tình huống khẩn cấp; cuộc sống tự lập và hòa nhập trong công việc; quyền tham gia đầy đủ của mọi người trong đời sống dân sự, xã hội và chính trị; trí tuệ nhân tạo; thể thao và các dịch vụ dành cho tất cả.

Dự kiến, tại phiên bế mạc, hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng, được gọi là Hiến chương Solfagnano.