Việt Nam dự diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2022
(Dân trí) - Ngày 7/9, diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2022 diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, các quan chức cao cấp và đại biểu của 20 nền kinh tế thành viên.
Đây là sự kiện cấp Bộ trưởng được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ hợp tác APEC về Phụ nữ và Kinh tế. Diễn đàn năm nay do nền kinh tế chủ nhà của APEC 2022 là Thái Lan chủ trì, với chủ đề "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn, xanh".
Đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn tham dự diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.
Tại diễn đàn, các thành viên APEC cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vốn đã tồn tại từ trước; gia tăng phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái ở các bối cảnh khác nhau phải đối mặt như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị đóng cửa trên diện rộng…
Trước thực tế này, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế, bằng cách tạo ra các cơ hội, phát huy hơn nữa tiềm năng của họ, xóa bỏ các rào cản và hướng tới sự phục hồi nhanh chóng, bao trùm và bền vững.
Thay mặt Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trên mọi mặt đời sống.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt từ 47%-48% trở lên. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - nơi chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 45% GDP, tạo việc làm cho khoảng 5,6 triệu lao động - là khu vực chủ yếu do nữ làm chủ.
Theo báo cáo về Khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 83/146 nước (tăng 4 bậc so với năm 2021), trong đó các chỉ số về nâng cao quyền năng cho phụ nữ có những bước tiến rõ rệt. Nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà hồi phục với nhiều khởi sắc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thực tiễn đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều khó khăn, thách thức và đặt ra nhiều vấn đề mới trong lĩnh vực lao động việc làm.
"Có những việc làm bị mất đi, song cũng có không ít cơ hội mới được tạo ra. Đặc biệt, với sự trỗi dậy của nền kinh tế sinh học, tuần hoàn, xanh, phụ nữ càng có thêm các hình thái việc làm mới và triển vọng kinh doanh mới trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ và sáng tạo.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh, bền vững và bao trùm, phụ nữ và trẻ em gái vẫn dễ bị tổn thương hơn và đối mặt với nhiều rủi ro", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các nền kinh tế thành viên thúc đẩy các sáng kiến, dự án về nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như vai trò của nhóm yếu thế, triển khai hiệu quả Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040 mà các Nhà Lãnh đạo APEC đã đề ra.