1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Việt Nam đối thoại với Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Tại Giơnevơ, Thụy Sĩ vừa diễn ra phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, cũng là phiên trao đổi xem xét báo cáo định kỳ lần 5 và lần 6 của Việt Nam.

Bà Mikiko Otani, Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên đối thoại. Phiên đối thoại cũng được phát trực tiếp với sự tham gia theo dõi của các bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu, với sự tham gia trực tiếp tại phiên đối thoại của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơnevơ và đại biểu của các Bộ LĐ-TB&XH, Ngoại giao, Tư pháp, Công an.

Việt Nam đối thoại với Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc - 1

Toàn cảnh phiên đối thoại tại Giơnevơ, Thụy Sĩ.

Trên cơ sở báo cáo đã gửi Ủy ban, văn bản trả lời các câu hỏi bổ sung từ phía Chính phủ Việt Nam và các báo cáo, thông tin của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, Phiên đối thoại diễn ra thẳng thắn, trao đổi để làm rõ những thành tựu, những khoảng trống, khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Quyền trẻ em của Việt Nam giai đoạn 2012-2021.

Những vấn đề chính được Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban quan tâm và yêu cầu làm rõ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm có: Sự khác biệt về tuổi trẻ em của Luật trẻ em với Công ước; việc phân bổ ngân sách nhà nước ở trung ương, địa phương để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2021-2030; cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em; hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em.

Khai sinh cho trẻ em và trẻ em không quốc tịch; Quyền được tham gia của trẻ em, đặc biệt việc tiếp nhận ý kiến của trẻ em trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và các quyền của trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em nghiện ma túy; giải pháp cho tình trạng trẻ em kết hôn sớm; các giải pháp giảm thiểu, chấm dứt trừng phạt trẻ em trong gia đình và trường học, mại dâm trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch.

Chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng; chăm sóc sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; tình hình trẻ em đi học đúng độ tuổi và trẻ em bỏ học; bảo vệ trẻ em và áp dụng các biện pháp phù hợp, thân thiện với trẻ em trong hoạt động tư pháp.

Trao đổi với Ủy ban, đoàn Việt Nam đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc luôn coi trọng và đặt ưu tiên cho lĩnh vực trẻ em và nhất quán nguyên tắc "Lợi ích tốt nhất dành cho trẻ".

Việt Nam đối thoại với Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên đối thoại.

Theo đó, hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam ngày càng hài hòa và cụ thể hóa các nguyên tắc quy định của Công ước và các chuẩn mực pháp lý có liên quan khác vào việc bảo đảm các quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em.

Đoàn Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận những thách thức lớn trong khoảng cách giữa quy định pháp luật về quyền trẻ em và thực tiễn thi hành pháp luật, chính sách, chủ yếu do hạn chế về cân đối nguồn lực trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Kết thúc phiên đối thoại, đại diện nhóm đặc trách về báo cáo của Việt Nam và các thành viên Ủy ban cũng đánh giá cao tinh thần cầu thị của đoàn Việt Nam trong phiên đối thoại, thể hiện trong việc chia sẻ nhiều thông tin quan trọng trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn về những thành tựu, nỗ lực cũng như những thách thức của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em trong thời gian qua.

Việt Nam đối thoại với Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc - 3

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại phiên đối thoại.

Ủy ban cũng lưu ý Việt Nam về những khuyến nghị của Ủy ban đối với báo cáo định kỳ lần trước và các ý kiến của thành viên Ủy ban trong Phiên đối thoại lần này.

Thay mặt cho đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các thành viên của Ủy ban sẽ tiếp tục theo dõi, tư vấn và hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện của các nước thành viên khác trên thế giới để Việt Nam có thể thực hiện quyền trẻ em và giải quyết những vấn đề về trẻ em hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh mới của biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số và dịch bệnh trên nguyên tắc "vì lợi ích tốt nhất cho trẻ" và "không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau".

Sau phiên đối thoại, Ủy ban sẽ gửi cho Việt Nam bản khuyến nghị chính thức đối với  báo cáo định kỳ lần 5 và 6.

Ủy ban Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc là cơ quan bao gồm 18 chuyên gia độc lập, chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Công ước Quyền trẻ em (CRC) của các nước thành viên. Ủy ban cũng giám sát việc thực hiện hai Nghị định thư bổ sung của Công ước Quyền trẻ em, bao gồm Sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và nội dung khiêu dâm trẻ em.