Việt Á bị điều tra, nhân viên cũ làm gì khi chưa được chốt sổ BHXH?
(Dân trí) - Nhiều lao động từng làm tại công ty Việt Á chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện không ít nhân viên đã sang công ty khác làm việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH, ảnh hưởng nhiều quyền lợi.
Tại hội nghị đối thoại với chính quyền TPHCM về chính sách BHXH, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ lo lắng vì công ty của chị có một số người lao động từng làm việc tại công ty Việt Á đang gặp rắc rối về sổ BHXH.
Khi nhiều lãnh đạo công ty Việt Á bị điều tra vì liên quan đến các vụ án kit test Covid-19, doanh nghiệp ngừng hoạt động thì lao động của công ty đi tìm công việc khác. Tuy nhiên, thời gian họ đã làm việc từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 không được phía công ty đóng BHXH, cũng không có người phụ trách chốt sổ BHXH cho người lao động.
Trả lời doanh nghiệp, bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu, sổ - thẻ BHXH TPHCM, cho biết: "Người lao động có sổ BHXH chưa được chốt về công ty làm việc thì công ty vẫn có thể báo tăng, đăng ký tiếp tục tham gia BHXH cho người lao động bình thường. Khi người lao động nghỉ việc ở công ty thì vẫn được chốt sổ bình thường".
Tuy nhiên, bà Mai chỉ rõ, công ty chỉ có thể chốt sổ cho quá trình người lao động làm việc tại đơn vị của mình. Còn tổng quá trình tham gia BHXH trong sổ của người lao động thì cơ quan BHXH không chốt được vì không có khoảng thời gian đóng BHXH tại công ty cũ (công ty Việt Á). Nguyên nhân là do công ty cũ đã không chốt BHXH cho người lao động.
Bà Mai nói: "Chúng tôi không chốt được tổng thời gian tham gia BHXH cho người lao động. Khi đó, người lao động có nhu cầu hưởng các chế độ BHXH sẽ không hưởng được. Do đó, công ty phải hướng dẫn người lao động về công ty cũ để chốt sổ".
"Hiện nay, chúng tôi sẽ căn cứ trên thời gian thực tế doanh nghiệp đóng đến đâu thì chốt sổ đến đó. Như trường hợp công ty Việt Á, chúng tôi sẽ chốt đến thời điểm công ty này đóng đủ tiền BHXH. Thời gian chưa đóng còn lại, nếu sau này thu đủ tiền, chúng tôi sẽ chốt bổ sung cho người lao động", bà Phan Thị Mai thông tin thêm.
Theo bà Mai, trường hợp công ty cũ không chốt sổ BHXH sau này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong việc hưởng các chế độ BHXH. Do đó, người lao động phải cố gắng liên hệ với công ty cũ để hoàn tất việc chốt sổ.
Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cùng những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động".
Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".
Như vậy, trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về người sử dụng lao động (trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản và nợ bảo hiểm nên không thể chốt sổ BHXH cho người lao động).
Nếu công ty không chốt sổ BHXH, người lao động có thể liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện (nơi công ty đặt trụ sở) hoặc Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được can thiệp giúp đỡ chốt sổ.