1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Nông:

Vì sao doanh nghiệp không đề nghị hỗ trợ đào tạo lao động?

Đặng Dương

(Dân trí) - Toàn tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ khoảng 17.000 đối tượng theo Nghị quyết 68, nhưng trong số này, không có đơn vị nào đề nghị hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (NQ68) của Chính phủ có nêu rõ, người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, qua rà soát thì toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí để được nhận hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao trình độ kỹ năng.

Tuy nhiên, đã hơn 4 tháng từ khi triển khai NQ 68, vẫn chưa có doanh nghiệp (người sử dụng lao động) nào của tỉnh Đắk Nông làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Nguyên nhân do trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp sử dụng 50% số lao động để duy trì sản xuất. Khi trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp huy động người lao động đến làm việc để sớm phục hồi sản xuất, phấn đấu đạt chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Chính vì vậy, doanh nghiệp không muốn hoặc không thể đưa người lao động đi đào tạo trong thời điểm này.

Vì sao doanh nghiệp không đề nghị hỗ trợ đào tạo lao động? - 1

Nhiều doanh nghiệp tại Đắk Nông đã bắt tay vào sản xuất lại sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Đắk Nông đều chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định.

Một số đơn vị sử dụng lao động khác lại có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh nên không ký kết hợp đồng lao động. Chính vì thế, nhiều người lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp - một trong những tiêu chí để được nhận hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68 không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp. Để hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, Sở đã tiến hành tuyên truyền, rà soát nhu cầu cần đào tạo lại lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có kế hoạch, phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Tới thời điểm hiện tại, chưa có người sử dụng lao động nào làm hồ sơ để nhận hỗ trợ đào tạo nghề theo tinh thần của Nghị quyết 68. Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh triển khai cán bộ, xuống từng địa phương để điều tra, rà soát lại nhu cầu người lao động (gồm cả người lao động trở về quê tránh dịch). Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ phân luồng lao động, ai có nhu cầu đào tạo thì sẽ tổ chức đào tạo nghề", vị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông thông tin.

Để được nhận hỗ trợ, doanh nghiệp (người sử dụng lao động) phải đáp ứng đủ các tiêu chí là đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 điều 42 Bộ Luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020…