(Dân trí) - Bố hy sinh khi anh Ước chưa đầy 4 tuổi. Những năm tháng đi tìm hài cốt từ việc nhận nhầm mộ đến hành trình tìm lại nơi bố hy sinh, với anh là cả một câu chuyện dài, nhiều nước mắt.
"Bố tôi hy sinh khi tôi mới được 4 tuổi, trước lúc lên đường ra mặt trận, ông có ghé về thăm nhà một lần, bế tôi đi chơi dọc theo cồn cát nơi quê nhà. Đó cũng là những ký ức hiếm hoi của tôi về bố", anh Nguyễn Văn Ước (58 tuổi, trú tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), con trai liệt sỹ Nguyễn Bá Mể, mở đầu câu chuyện đặc biệt của mình.
Theo thông tin trên giấy báo tử, liệt sỹ Nguyễn Bá Mể sinh năm 1936, hy sinh ngày 17/6/1969, tại mặt trận phía Nam, thi hài được mai táng tại mặt trận phía Nam Quân khu 4.
Suốt hàng chục năm sau đó, gia đình anh Ước đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Bá Mể từ những dòng thông tin ít ỏi ấy.
Những chuyến đi tìm mộ dọc dài theo đất nước, qua khắp các nghĩa trang liệt sỹ đều không mang lại kết quả. Nỗi buồn đau của ông bà nội, mẹ, người thân của anh Ước cũng vì thế khó được khỏa lấp.
Năm 1992, gia đình anh Ước đã tìm đến phương pháp ngoại cảm, như một cứu cánh sau hàng chục năm đằng đẵng đi tìm không có kết quả. Theo sự chỉ bảo của nhà ngoại cảm, gia đình nhận ngôi mộ chưa xác định được tên tuổi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để thờ phụng.
"Vì không có bất cứ thông tin nào nên gia đình đã phải tìm đến phương pháp tâm linh. Cách đây ít năm, tôi bắt đầu có một số thông tin xác thực hơn. Lần theo những thông tin ấy, tôi càng thêm khẳng định trực giác của mình là đúng. Hơn 20 năm qua, gia đình tôi đã nhận nhầm mộ người khác là của bố", anh Ước chia sẻ thêm.
Sau khi sự nhầm lẫn được phát hiện, anh Ước đã thực hiện các thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ. Dù người nằm dưới mộ không phải là liệt sỹ Mể, nhưng gia đình anh Ước luôn xem đó là người thân, vẫn hương khói hàng năm như một lời xin lỗi và niềm an ủi với vong hồn người đã khuất.
Anh Ước luôn tâm niệm, biết đâu, thân nhân của liệt sỹ vẫn đang tìm kiếm như mình, hay ở một nơi nào đó, phần mộ của bố anh cũng đang được người khác chăm sóc.
Gia đình anh Ước nhận định nhầm mộ bắt đầu từ năm 2015, khi xuất hiện một số thông tin hiếm hoi về đơn vị của liệt sỹ Nguyễn Bá Mể, thông tin này đến với gia đình qua cuộc gặp gỡ hết sức tình cờ với một cựu chiến binh.
"Thời điểm ấy, chú tôi đổ bệnh, phải nhập viện. Trong phòng có một cựu chiến binh cũng đang nằm điều trị và vô tình nhắc đến bố tôi với những thông tin về tên tuổi, quê quán, đơn vị trùng khớp.
Ông ấy nói đã từng gặp và biết bố tôi hy sinh trong lần vượt sông Bến Hải để tham gia một trận đánh. Trận đánh này không nhiều người biết, bởi vậy nhiều khả năng bố tôi và các đồng đội vẫn chưa được cất bốc, quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ", anh Ước kể.
Qua những thông tin có được, một loạt câu hỏi bắt đầu xuất hiện trong đầu anh Ước: "Phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có thực sự là bố? Bố hy sinh ở đâu, mộ hiện ở chỗ nào?".
Thông tin quý giá về trận vượt sông Bến Hải là tia hy vọng lớn đối với người con luôn khao khát tìm thấy mộ bố như anh Ước. Cứ cuối tuần, anh Ước và vợ lại lặn lội vào Quảng Trị, đi dọc 2 bờ sông Bến Hải, tìm kiếm những thông tin về trận đánh liên quan đến ngày 17/6/1969 như giấy báo tử đã ghi.
Anh Ước cũng lân la và tìm về những câu chuyện an táng liệt sỹ của người dân địa phương hơn 50 năm trước; gửi thư đến nhiều cơ quan, ban, ngành nhờ giúp đỡ. Những thông tin có được trong hành trình tìm kiếm, anh Ước ghi lại cũng đã dày mấy chục trang giấy.
"Mặc dù không có tài liệu lưu trữ, tuy nhiên, may mắn là tôi tiếp cận được danh sách liệt sỹ Trung đoàn 270, hy sinh tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu, lưu trữ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Linh và đúng là có tên của bố.
Năm 2019, khi khớp nối các kênh thông tin, tôi có thể khẳng định, bố từng đóng quân tại Đặc khu Vĩnh Linh, cùng đồng đội anh dũng hy sinh tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu trong trận đánh vào ngày 17/6/1969. Bởi vậy, hài cốt bố còn nằm lại đâu đó trên chiến trường, chứ không phải ở Nghĩa trang Trường Sơn như gia đình từng nghĩ", anh Ước nói.
Theo danh sách liệt sỹ Trung đoàn 270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, có 53 liệt sỹ được xác định danh tính, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Bá Mể, lúc hy sinh là Đại đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Niềm mong mỏi biết rõ nơi bố ngã xuống dần trở thành hiện thực đối với anh Ước sau quãng thời gian dài miệt mài tìm kiếm.
Cũng trong hành trình đi tìm kiếm, anh Ước có duyên gặp gỡ với một người đồng đội cũ của bố là ông Nguyễn Văn Minh, chiến sỹ liên lạc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 270. Ông Minh cũng là người giúp đỡ, củng cố những thông tin để anh Ước tìm ra nơi bố mình hy sinh.
Ông Minh là một trong những người sống sót sau trận đánh ngày 17/6/1969 ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Theo lời kể của ông Minh, đêm 16, rạng sáng 17/6/1969, đơn vị của ông vượt sông Bến Hải, bí mật ém quân ở bờ nam.
Đơn vị sau đó đã lên phương án tác chiến, đồng loạt nổ súng khiến địch trở tay không kịp, thương vong nhiều và tháo chạy. Tuy nhiên, trên đường rút lui, Đại đội 9 đã bị địch tập kích khiến nhiều người hy sinh.
Suốt những năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh cũng đã dành nhiều thời gian để đi tìm đồng đội, thăm lại chiến trường xưa. Từ trí nhớ của ông Minh, khớp nối với những tư liệu thu thập được, trận đánh cách đây 54 năm, ngày 17/6/1969 mới dần sáng tỏ.
Nơi diễn ra trận đánh, khu vực bộ đội bị địch vây ráp và hy sinh được xác định là Khe Cây Bồng - Rú Cấm, thuộc thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nay là bãi sình lầy đầy cỏ dại.
Suốt những năm qua, khi nắm rõ thông tin về các liệt sỹ đã hy sinh tại thôn Hà Trung, anh Ước, ông Minh đã tìm cách liên hệ, cung cấp thông tin đến các thân nhân liệt sỹ khác.
"Hồi đó chiến tranh ác liệt, cả làng chúng tôi phải sơ tán. Về trận đánh ở Khe Cây Bồng - Rú Cấm, tôi vẫn nhớ hình ảnh máy bay Mỹ quần thảo, nghe tiếng súng đạn, ít ngày sau đó khi đi chăn bò qua khu vực Khe Cây Bồng, tôi cũng thấy có nhiều bộ đội hy sinh, còn việc an táng hay như thế nào thì không rõ, vì lúc đó tôi mới 9 tuổi", ông Trần Ngọc Trì, trú thôn Hà Trung nhớ lại.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Trần Ngọc Tuệ, Trưởng thôn Hà Trung, cho hay, ông từng nghe về trận đánh ngày 17/6/1969. Với tấm lòng biết ơn những người đã ngã xuống, nhân dân địa phương luôn hỗ trợ thân nhân các liệt sỹ tìm kiếm phần mộ, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng sẽ dựng một tấm bia để tri ân, tưởng nhớ.
Mặc dù chưa thể tìm ra mộ hay hài cốt của các liệt sỹ đã hy sinh vào ngày 17/6/1969, tuy nhiên việc tìm ra khu vực các anh đã anh dũng ngã xuống là niềm an ủi lớn đối với những người đồng đội như ông Minh hay các thân nhân liệt sỹ như anh Ước.
Đặc biệt, vào ngày 17/6 vừa qua, được sự đồng thuận của UBND huyện Gio Linh, ông Minh, anh Ước cùng hàng chục thân nhân liệt sỹ đã tổ chức lễ giỗ chung cho các liệt sỹ đã ngã xuống tại Khe Cây Bồng - Rú Cấm với sự tham gia của các ban, ngành địa phương.
Lễ giỗ chung các liệt sỹ hy sinh ngày 17/6/1969 nhằm chia sẻ những đau thương, mất mát cùng thân nhân gia đình các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Các liệt sỹ hy sinh ngày 17/6/1969 tại khu vực Khe Cây Bồng - Rú Cấm, thuộc thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh có quê quán rộng khắp: Hà Nội, Hà Bắc (cũ), Hải Hưng (cũ), Nam Hà (cũ), Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh...
Vào đầu tháng 7 vừa qua, sau khi nhận được tờ trình của Sư đoàn 341, Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh đã thống nhất chủ trương về việc xây dựng bia tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh này.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện thông tin về trận đánh một cách đầy đủ, chính xác nhất, từ đó có hướng tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ cũng như có phương án xây dựng bia ghi danh để tri ân, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ.