1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại

Tiến Thành

(Dân trí) - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị tướng tài năng, là "linh hồn" của đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, mà là một nhà lãnh đạo đức độ, trọn nghĩa, vẹn tình với đồng đội.

"Không chỉ trực tiếp cầm súng mới là anh hùng!"

"Hiền lành, gần gũi, thương bộ đội như con em trong nhà...", đó là chia sẻ của cựu chiến binh Mai Văn Hà, trú thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khi nói về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, người thủ trưởng mà ông luôn kính phục.

Ông Hà là lính lái xe, từng có những chuyến tháp tùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vượt "mưa bom, bão đạn" trên đường Trường Sơn huyền thoại. Với ông, những ký ức về vị Tư lệnh mãi luôn nguyên vẹn.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 1

Cựu chiến binh Mai Văn Hà xem lại những kỷ niệm về vị Tư lệnh huyền thoại.

Đầu năm 1969, ông Hà nhận lệnh đón một người đặc biệt từ vùng tây Bố Trạch đi công tác ở vùng Long Đại, Lệ Kỳ (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay).

Quãng đường đi cùng nhau chỉ có vài chục km nhưng "mưa bom, bão đạn" trút xuống không ngừng. Khi đến khu vực Long Đại, máy bay địch gầm gừ, pháo sáng thả chói cả vùng trời, lửa cháy bén ngùn ngụt lan cả mấy cánh rừng.

Trước cảnh tượng ấy, vị khách ngồi cạnh ông Hà liền cất tiếng: "Chú thấy đi được không?". Ông Hà vội đáp: "Thưa thủ trưởng, đi tiếp thì còn đường sống, nếu dừng lại thì chắc chắn bị máy bay đánh tiếp". Trong tiếng bom đạn xối vang rừng, ông Hà cảm nhận được sự điềm tĩnh, quyết đoán của vị thủ trưởng. Nghe báo cáo, vị khách đáp gọn: "Vậy đi tiếp".

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 2

Ông Mai Văn Hà từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Ông Hà xuống xe, cởi áo nhúng vào bùn dưới hố bom, quấn chặt miệng và đắp bùn phủ kín bình dầu trên chiếc xe để tránh xe bắt lửa rồi lái tiếp, vượt qua trận địa hoang tàn. Khi tới trạm kế tiếp, ông Hà mới biết vị khách chính là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tiếng tăm lừng lẫy trên tuyến đường Trường Sơn.

Một lần khác, ông Hà lại nhận lệnh chở Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào vùng Lệ Thủy để nắm bắt tình hình chiến trường. Hôm đó, máy bay địch quần thảo liên tục, phải nghỉ ngày và đi mấy đêm mới tới. Trên đường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhường cả khẩu phần lương khô, nước uống cho ông Hà và dặn dò "ăn đi cho lại sức để đi tiếp, bác biết tiếng tay lái cừ của chú rồi!".

Lúc chia tay, vị Tư lệnh Trường Sơn còn vỗ vai ông Hà động viên và nói một câu đến bây giờ ông vẫn nhớ như in, "không phải cầm súng đánh giặc mới là anh hùng". Dù chỉ gặp gỡ đôi ba lần ngắn ngủi, nhưng với ông Hà, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người để lại rất nhiều ấn tượng trong ông.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 3

Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm xưa cũng như nhớ về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Còn với cựu chiến binh Lê Mậu Ba, trú tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng người chiến sĩ thông tin này vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ trong lần được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Đó là một ngày đầu năm 1972, ông Ba cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tối mật là kéo đường dây, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cho một binh trạm của Đoàn 559, nằm sát biên giới Việt - Lào, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau khi hoàn thành công việc, ông Ba và đồng đội gặp tốp người từ trong doanh trại đi ra. Nghe ông Ba và đồng đội cất tiếng chào, một người có dáng vóc cao lớn, tóc cắt ngắn, bước đi nhanh nhẹn hỏi: "Mấy chú người ở mô mà nghe giọng quen rứa?". Nhóm ông Ba vội trả lời: "Báo cáo thủ trưởng, chúng cháu người Quảng Bình ạ!".

Nghe vậy, người thủ trưởng dặn dò "nếu là người Quảng Bình thì phải "hai giỏi" nghe", tiếp đó ông cười xòa, hiền hậu, rồi cử người mang một thùng lương khô BB70 (loại dùng cho cán bộ cao cấp) phát cho những người lính thông tin và không quên hỏi thăm sức khỏe, động viên anh em hoàn thành nhiệm vụ.

Sau này, ông Ba mới biết đó chính là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Lần gặp vị Tư lệnh ngay giữa chiến trường khiến ông Ba nhớ mãi.

Trọn nghĩa tình với đồng đội

Với những người lính từng tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị Tư lệnh tài năng lỗi lạc mà ông như một người cha, người anh thân thương, hết lòng quan tâm đến chiến sĩ. 

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 4

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thường xuyên có mặt tại các điểm nóng ác liệt của tuyến đường Trường Sơn (Ảnh: Tư liệu).

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đồng cam, cộng khổ với bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, không có trọng điểm ác liệt nào, không binh trạm nào… ông chưa đến. Ông thấu hiểu nỗi vất vả, hy sinh của những người lính công binh.

Và sự thấu hiểu ấy trở thành lòng yêu thương, sự chia sẻ to lớn mà rất nhiều người lính Trường Sơn đến bây giờ nhắc lại vẫn không khỏi rưng rưng, bùi ngùi. Cái chất của vị Tư lệnh gần gũi, thương lính làm cho cấp dưới luôn trân trọng, yêu kính, hết lòng với vị chỉ huy của mình.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng là người "đi trước thời đại" khi đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 5

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Đúng 2 năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4/1977, tại khu vực Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có diện tích 140.000m² nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải hoàn thành, là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ Trường Sơn.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh đi trước thời đại - 6

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ.

Gắn bó cùng núi rừng Trường Sơn suốt 8 năm, tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến chi viện chiến lược cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh. Đây là vị tướng với hàng triệu bước chân không mỏi, chưa một lần nản chí, đã dày công xây dựng nên nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự trong điều kiện ác liệt của chiến tranh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, một năm sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976) và được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Tháng 3/2023 là kỷ niệm 100 năm này sinh vị tướng kỳ tài của lịch sử cách mạng Việt Nam.