Trở lại Sài Gòn, ông bố nghẹn khóc sau "chuyến về Tết là hết sạch tiền"

Hoài Nam

(Dân trí) - Đứt ruột với chuyến taxi từ sân bay về nhà trọ hết 420.000 đồng, anh Hoàng chỉ muốn òa khóc sau chuyến về Tết quay lại thành phố là... hết sạch tiền.

Cùng vợ con trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết, anh Đỗ Ngọc Hoàng (39 tuổi, làm việc tại bộ phận kho hàng một công ty phân phối đồ gia dụng ở quận Bình Tân) suy kiệt sức lực. Không chỉ là việc di chuyển nhiều gây mệt mỏi mà hơn hết, anh đã "trắng tay" sau chuyến về quê đón Tết.  

Tính lại khoản tiền đổ ra cho 2 tuần Tết, anh Hoàng lại say xẩm mặt mày. Người vợ bị bệnh tim cùng cô con gái đều say tàu xe, nhà anh chỉ có thể đi lại bằng máy bay để về quê. Giá vé ngày Tết đắt đỏ, 3 người từ TPHCM về Hà Tĩnh hết gần 20 triệu đồng, chưa kể nhiều vòng xe ở các chặng đường đi về.

Trở lại Sài Gòn, ông bố nghẹn khóc sau chuyến về Tết là hết sạch tiền - 1

Người lao động ở các tỉnh thành đổ về TPHCM sau Tết (Ảnh: H.N).

Điều kiện có hạn, vợ chồng biếu ông bà 2 bên nội ngoại mỗi bên 5 triệu đồng, tiền quà cáp, lì xì anh em họ hàng, các cháu tằn tiện đủ kiểu cũng hết 5 triệu. Tiền mua sắm, chi tiêu ăn uống cái này cái kia cũng hết thêm một khoản không nhỏ, rồi rất nhiều khoản phát sinh này kia đều thâm hụt nặng vào ví tiền. 

Đã thế, mới đầu năm mới, chủ nhà thông báo từ sau Tết sẽ tăng lại giá tiền thuê nhà giảm từ đợt dịch. Số tiền tiết kiệm ít ỏi trong tài khoản của anh vơi đi một cách "chóng mặt". Về Tết với gia đình mà anh vui không nổi vì gánh nặng tiền nong.

Trụ cột trong gia đình, lương của anh Hoàng dao động 10-12 triệu tháng. Vợ anh buôn bán tự do thu nhập không ổn định. Nguồn thu 18 triệu đồng/tháng trang trải cho 2 vợ chồng và một bé nhỏ sống trọ ở thành phố, gửi tiền về quê cho ông chăm bé lớn. Hàng tháng, tiền vào đến đâu là cạn tới đó hoặc chỉ để dành được rất ít không bù nổi khi có sự cố, ốm đau hoặc mua sắm này kia. 

Năm vừa rồi, anh bị ảnh hưởng thu nhập vì dịch bệnh phải lấy tiền phòng thân ra chi xài. Cuối năm rồi, số tiền của vợ chồng để dành được là hơn 50 triệu đồng. 

Cân nhắc mãi, anh chị bấm bụng về quê vì một năm dịch bệnh đã "chôn chân" ở nhà trọ quá ngột ngạt, bức bối. Giờ quay lại, gần như chẳng còn gì trong khi tiền nhà, tiền học của con đang chờ. 

Khi đến sân bay, anh bấm điện thoại đặt xe công nghệ đến 4 lần, chờ hàng tiếng đồng hồ mong tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó nhưng không thành. Cuối cùng, cả gia đình leo lên taxi, về đến nơi thấy báo số tiền 420.000 đồng cho chặng đường 15 cây số làm anh càng mệt mỏi. Anh trả đúng số tiền không "boa" thêm chút nào. 

"Trả tiền xong, tôi quay mặt đi vì không muốn vợ con hay ai thấy vẻ mặt căng thẳng của mình lúc đó. Thật sự chỉ muốn khóc", ông bố nghẹn ngào.  

Trở lại Sài Gòn, ông bố nghẹn khóc sau chuyến về Tết là hết sạch tiền - 2

Con đường trở thành thành phố mưu sinh của nhiều người lao động nặng trĩu lòng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vợ anh sức khỏe yếu nên mọi việc trong nhà giao hết cho anh. Anh còn không nhận ra mình đã trở thành một người đàn ông tính toán, đau đầu về tiền bạc từ lúc nào. 

Quyết tâm quay lại cày cuốc, anh Hoàng thở dài: "Từ nay tôi sẽ không về quê vào dịp Tết nữa, quá tốn kém và áp lực". 

Oằn lưng trả nợ sau Tết

Với nhiều người xa quê chật vật mưu sinh, sau những ngày Tết tốn kém có thể rơi vào cảnh trắng tay, thiếu thốn, thậm chí nợ nần. Ứng lương, vay nợ để ăn Tết không phải câu chuyện hiếm đối với người lao động xa nhà. 

Chị Nguyễn Thị Xoan, quê ở Hà Tĩnh, làm việc ở Bình Dương chia sẻ, vợ chồng chị thường 3-4 năm mới dám về quê đón Tết một lần vì quá tốn kém. 

Năm rồi, bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, mất việc làm, gia đình chị rất chật vật mới cầm cự được qua ngày. Đến cuối năm, ổn định được chút đỉnh thì... Tết ập đến. Nhà chị đã tính "trốn Tết" nhưng năm nay bố chị mừng thọ 70, không tránh được. 

Trở lại Sài Gòn, ông bố nghẹn khóc sau chuyến về Tết là hết sạch tiền - 3

Người dân miền Tây trong hành trình trở lại TPHCM làm việc (Ảnh: Quang Minh).

Để trang trải cho chuyến về quê chưa đến 10 ngày, chị Xoan cho biết, vợ chồng không chỉ vét sạch tiền, chị còn bán 1 chỉ vàng từ hồi cưới và chồng chị vay thêm bên ngoài 15 triệu đồng để gửi bố mẹ sửa nhà. 

Cả nhà chị đi xe khách để tiết kiệm, hạn chế chi tiêu hết sức nhưng sau Tết trở lại thành phố cũng cạn kiệt, còn gánh thêm một khoản nợ phải trả trong tháng 2 này. 

"Chuyến về Tết năm nay của vợ chồng tôi, cày trả nợ nửa năm chưa hết", anh Nguyễn Văn Đức, 31 tuổi, làm việc tại một công ty giày da ở thành phố Thủ Đức ngán ngẩm.

Con còn gửi ông bà ở quê nên năm nào vợ chồng anh cũng ráng về Tết. Tiền đi lại, tiền lo cho gia đình, sắm sanh, quà cáp... đồng lương của hai chẳng thấm tháp vào đâu, muốn về quê phải vay nợ.

Ước mong đón con nhỏ vào để bố mẹ con cái gần nhau chưa thực hiện được thì anh nghe bố mẹ mở lời "năm sau làm lại nhà bếp" mà trĩu lòng. 

Sau Tết là hết sạch tiền là vòng quay của rất nhiều người lao động xa nhà. Có khi vắt sức làm việc cả năm, còn không đủ tiền cho một chuyến về quê. Những ngày ngắn ngủi được về nhà, được sum vầy phải "mua" bằng tiền bạc, sức lao động không hề rẻ. 

Biết bao nhiêu người xa quê, số lần về Tết hàng năm cứ thưa dần, thưa dần, có khi 5 -7 năm chưa đón Tết cùng gia đình để tránh cảnh "hậu Tết đau thương".

Phía sau những tiếng cười của hội ngộ, những mâm cỗ, những ly rượu chúc nhau ngày Tết ở quê nhà, ít ai biết những đứa con xa nhà gánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có người cạn kiệt tài chính, có người lâm vào nợ nần, có thể kéo theo vợ chồng, con cái mâu thuẫn, cãi vã, trách móc...

Con đường trở lại thành phố sau Tết, bước vào mưu sinh của nhiều người lao động nặng oằn vai...