1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Triển khai NQ 68 ở ĐBSCL: Nhanh với lao động tự do, chậm với doanh nghiệp

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 68, "điểm sáng" nhất ở ĐBSCL là việc sắp hoàn thành chi hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Bên cạnh đó hạn chế lớn nhất vẫn còn là "chậm" hỗ trợ doanh nghiệp.

Tháng 6/2021, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tiếp đến ngày 7/7, Thủ tướng ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi làm việc với lãnh đạo Sóc Trăng về việc triển khai Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ hôm 30/8.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi làm việc với lãnh đạo Sóc Trăng về việc triển khai Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ hôm 30/8.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 19/7, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh thành phía Nam do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc các tỉnh thành thực hiện hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 của Chính Phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ 2 ngày sau khi thành lập, Tổ công tác đã có những báo cáo đầu tiên về Bộ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 tại nhiều nơi của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhờ sự sát sao của Trung ương và tinh thần trách nhiệm của địa phương, đến hiện tại, nhiều tỉnh của ĐBSCL đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác triển khai Nghị quyết 68.

Tiếp cận nhanh nhóm lao động tự do 

Tính đến hết tháng 8, tất cả các tỉnh ở ĐBSCL đều đã hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành việc hỗ trợ cho lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh bằng ngân sách địa phương. Một số tỉnh như Đồng Tháp, Bến Tre đã tiến tới mở rộng các nhóm đối tượng lao động tự do được nhận tiền hỗ trợ.

TP Cần Thơ là địa phương duy nhất ở ĐBSCL hỗ trợ cho lao động tự do 2 triệu đồng/người, cao hơn 500 nghìn đồng so với mức "sàn" của Trung ương quy định.

Triển khai NQ 68 ở ĐBSCL: Nhanh với lao động tự do, chậm với doanh nghiệp - 2

Cán bộ ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ trao tiền tới những hộ bán vé dạo bị nghỉ việc do Covid-19.

Nhiều địa phương cũng đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đơn cử: TP Cần Thơ đã sớm hoàn thành việc xác định, thông báo hỗ trợ chính sách tới 3.554 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn với 100.306 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự kiến tổng kinh phí trong 12 tháng là gần 33 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8, tỉnh Bến Tre đã xác định có 110.114 lao động sẽ được nhận hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ dự kiến là 121,5 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đạt tỷ lệ 95,87% với số tiền 5,628 tỷ đồng.

Giữa tháng 7, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định hỗ trợ lao động tự do trên địa bàn gặp khó khăn do dịch Covid-19 số tiền 1,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, để hưởng trợ cấp này, người lao động không phải làm đơn, chỉ mang CMND đến UBND cấp xã đăng ký, thủ tục gọn nhẹ đã khiến người dân dễ dàng nhận được hỗ trợ.

Triển khai NQ 68 ở ĐBSCL: Nhanh với lao động tự do, chậm với doanh nghiệp - 3

Người dân bán vé số dạo ở Đồng Tháp được nhận hỗ trợ từ rất sớm.

Đến ngày 28/8, Đồng Tháp đã hỗ trợ cho tổng trên 170.000 người gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, với tổng kinh phí hơn 115 tỷ đồng. Chiều ngày 30/8, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã có hướng dẫn các địa phương tiếp tục bổ sung thêm nhiều nhóm lao động tự do trở thành đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ.

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, hơn 8.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ đã được giải ngân nhanh chóng. Trong đó, khoảng 70% số tiền được chi cho các tỉnh phía Nam - nơi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất.

"Đảo ngọc" Phú Quốc dù không bị bùng phát dịch Covid-19 nặng nề. Nhưng do nền kinh tế phụ thuộc khá lớn vào du lịch, đời sống người dân nơi đây cũng gặp không ít khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, trên địa bàn TP có khoảng 26.000 lao động tự do đang ở trọ, nhà thuê gặp khó khăn… Bên cạnh đó các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng đang điêu đứng do dịch bệnh kéo dài.

Ngày 1/9, một lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH TP Phú Quốc thông tin, các cơ quan chức năng thành phố này đang làm việc xuyên suốt ngày đêm, không kể giờ giấc để xem xét, phê duyệt hồ sơ người lao động cần hỗ trợ.

"Chậm" hỗ trợ doanh nghiệp 

Dù đã đạt được nhiều thành quả, tuy nhiên việc triển khai Nghị quyết 68 ở các tỉnh miền Tây vẫn còn không ít hạn chế. Nguyên nhân được nhận định một phần do dịch bệnh, đang giãn cách, khó khăn nguồn lực…

Triển khai NQ 68 ở ĐBSCL: Nhanh với lao động tự do, chậm với doanh nghiệp - 4

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi (bên trái) tặng quà cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid- 19 ở ấp Trà Canh, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 25/8, 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc trong đó có 7 tỉnh miền Tây. Trong 5 tỉnh thành chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc trên cả nước thì có 3 tỉnh  ở miền Tây.

Hơn nữa, khu vực Miền Tây cũng có 2 tỉnh thành bị nêu tên trong danh sách 3 tỉnh thành chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông tin từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang, dù các cơ quan chức năng tỉnh này đã tiếp cận 1.376 doanh nghiệp để thông tin về chính sách hỗ trợ nhưng chỉ có 25 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với số tiền rất hạn chế.

Trong số đó, có 22 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc cho 1.567 lượt lao động, với số tiền đề nghị vay 4,785 tỷ đồng. Chỉ có 3 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tổng hơn 1,6 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất.

Tính đến ngày 31/8, chỉ có 18 doanh nghiệp ở An Giang chủ động nộp hồ sơ đề nghị vay vốn với số tiền gần 2,4 tỷ đồng để trả lương cho 954 lượt người lao động.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre cũng thông tin, dù đơn vị đã tiếp cận 886 doanh nghiệp trên địa bàn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có nhu cầu vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 68.

Triển khai NQ 68 ở ĐBSCL: Nhanh với lao động tự do, chậm với doanh nghiệp - 5

Đa số nhóm lao động tự do ở ĐBSCL đã nhận được tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68.

TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế khu vực miền Tây và chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 8, TP Cần Thơ đã có 1.039/1.090 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, kéo theo 66.162/69.893 lao động thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 94,66%.

Dù vậy, đến hiện tại số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trong gói chính sách theo Nghị quyết 68 ở Cần Thơ vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong 12 nhóm chính sách của Nghị quyết 68, nhóm chính sách khó triển khai nhất hiện tại đó là hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách này cần tập trung lao động trong một thời gian để đào tạo, hướng dẫn thực hành trực tiếp nhưng hiện các tỉnh ở miền Tây đang giãn cách phòng chống dịch nên không thể thực hiện.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đến cuối tháng 8, nhiều nhóm chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ, như: Nhóm chính sách 3, 5, 10 và 11 của Nghị quyết 68 là hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.