1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng

Bình Minh Công Bính

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình tri ân, tôn vinh anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tối 26/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình giao lưu với các điển hình tiên tiến là thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các cơ quan, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác "đền ơn đáp nghĩa".

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 1

Chương trình có sự tham dự của các lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Chương trình nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp hy sinh của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 2

Nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ... có mặt tại buổi giao lưu.

Các khách mời đã chia sẻ về những kỷ niệm chiến trường, thời khắc không quên trong cuộc kháng chiến cứu nước mà họ đã trải qua; ký ức khi nhận tin người thân hi sinh nơi chiến trường và nỗ lực vượt qua nỗi đau, mất mát vươn lên trong cuộc sống, công tác.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 3

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Văn Thọ, xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn) và các khách mời chia sẻ về những ký ức chiến tranh.

Đặc biệt thu hút là câu chuyện về những thương, bệnh binh đang hàng ngày phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống do sức khỏe bởi di chứng chiến tranh để lại; ý chí tự lực, tự cường vượt lên thương tật, khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, trở thành những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, học tập; những việc làm ý nghĩa trong công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công...

Thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đang quản lý, chăm sóc, phụng dưỡng và thực hiện chính sách với 349.469 người có công với cách mạng, trong đó có 4.630 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (94 mẹ còn sống), 55.932 liệt sĩ, 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.571 thương binh, 15.959 bệnh binh, 14.539 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.065 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng huân, huy chương.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 4

Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.

Trong những năm qua, Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" và đã trở thành những hoạt động thường xuyên, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân...

Từ các nguồn quỹ đã huy động được hơn 56 tỷ đồng, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ xây dựng mới 338 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng cùng hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng. Đến nay, hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 5

Toàn cảnh buổi giao lưu.

Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Thanh Hóa là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước, gần 35 nghìn người, suốt 75 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa có nhiều nỗ lực thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt, là chính sách đã được luật hóa từ năm 1994 đến nay, sau 28 năm Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện, xác nhận, đầy đủ kịp thời những đối tượng người có công, chi trả trợ cấp bảo đảm đời sống an sinh xã hội. Thông qua chính sách an sinh xã hội đã góp phần xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Quê hương mẹ Thứ tri ân anh hùng liệt sĩ 

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tối 26/7, tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Điện Bàn là quê hương của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam); Mẹ mất ngày 10/12/2010 tại TP Đà Nẵng, đại thọ 106 tuổi.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 6

Tối 26/7, chính quyền thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương (Ảnh: Hoài Sơn).

Trải qua 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Điện Bàn có gần 19.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, trên 7.200 thương bệnh binh, gần 4.200 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, hơn 4.500 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hơn 9.000 người có công với cách mạng. 

Điện Bàn cũng là một trong những địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát của tỉnh Quảng Nam. Toàn thị xã Điện Bàn có hơn 3.100 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện địa phương có gần 10.000 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng…

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 7

Các bạn trẻ thị xã Điện Bàn thắp nến tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Hoài Sơn).

Những tấm gương đã anh dũng, bất khuất trong chiến đấu được cả nước vinh danh như mẹ Nguyễn Thị Thứ - người Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu của cả nước, các Dũng sĩ Điện Ngọc, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, mẹ Cọng, mẹ Sâm… đã đi vào sử sách.

Đến nay, thị xã Điện Bàn có 82 cá nhân, 6 tập thể, 19/20 xã, phường được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3.130 Bà Mẹ được Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 8

Một thương binh thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội (Ảnh: Hoài Sơn).

Phát biểu tại Lễ tri ân, ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy thị xã Điện Bàn - cho hay trong chiến tranh đây là địa phương giáp ranh với căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, là nơi bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tập trung đánh phá nặng nề với mọi thủ đoạn tàn bạo, bằng mọi loại vũ khí và phương tiện hiện đại nhằm hủy diệt sự sống; đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng địa phương hòng biến nơi đây thành vành đai trắng.

"Nhưng suốt 30 năm vẫn không khuất phục được lòng yêu nước và ý chí cách mạng kiến cường của quân và dân Điện Bàn. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ - "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập tự do", lớp lớp thanh niên Điện Bàn đã tiếp bước cha anh lên đường cầm súng bảo vệ quê hương, đất nước", Bí thư Thị ủy thị xã Điện Bàn phát biểu.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 9

Lực lượng vũ trang thị xã Điện Bàn thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Hoài Sơn).

Sau ngày đất nước hòa bình, Điện Bàn nỗ lực vượt khó vươn lên. Từ năm 2017, Điện Bàn là một trong 4 địa phương của tỉnh Quảng Nam tự cân đối ngân sách. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt trên 21.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%.

Bên cạnh đó, công tác đền ơn đáp nghĩa được địa phương quan tâm thực hiện bằng những hành động và việc làm thiết thực như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, tặng sổ tiết kiệm, xây dựng nhà tình nghĩa, đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ… Đặc biệt, địa phương giải quyết hơn 7.000 nhà ở cho người có công, tổng kinh phí hơn 175 tỷ đồng.

Tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng - 10

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn lung linh ánh nến trong đêm tri ân (Ảnh: Hoài Sơn).

Bí thư Thị ủy thị xã Điện Bàn khẳng định trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng, phấn đấu trong công cuộc xây dựng và phát triển thị xã và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Năm 2005, cán bộ, nhân dân huyện Điện Bàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới", năm 2010" hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp.

Đặc biệt, vào đầu năm 2015, huyện Điện Bàn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận thị xã, được đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì, cuối năm 2015 thị xã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…