1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bạc Liêu:

Tri ân những người ngày đêm chăm sóc nạn nhân da cam

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam là lương tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Tổng kết công tác năm 2020 vào chiều ngày 12/1, bà Hà Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu - cho biết, tính đến giữa tháng 11/2020, toàn tỉnh có 1.922 nạn nhân đang hưởng chính sách.

Tổng trị giá chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trong năm 2020 là hơn 4,4 tỷ đồng. Số kinh phí này được tổ chức thăm bệnh, phúng điếu từ trần, hỗ trợ khó khăn đột xuất; xây dựng và sửa chữa nhà; trào quà Tết và ngày da cam 10/8; trao tặng xe lăn; trao vốn sản xuất; khám sức khỏe… tới các nạn nhân.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo công tác nạn nhân da cam

Thông qua các phong trào của Hội và từ hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức đối với các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về hậu quả của chất độc da cam/dioxin, thu hút sự quan tâm chú ý và ủng hộ ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

"Cụ thể từ sự chăm sóc, giúp đỡ, động viên, thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn, phúng viếng chia buồn khi từ trần, tặng quà, chúc Tết... đã phần nào trợ giúp về vật chất, an ủi tinh thần đối với những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn ngày càng ổn định, bền vững", bà Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc Liêu cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là nhu cầu giúp đỡ nạn nhân da cam trong tỉnh còn rất nhiều, lại đa dạng (sức khỏe, bệnh tật, đời sống), trong khi khả năng của Hội chưa đáp ứng được.

Do đó, cần có sự quan tâm sâu sát hơn của cấp ủy, chính quyền và cơ sở đối với từng đối tượng, từng hoàn cảnh khác nhau của các nạn nhân, cũng như tìm biện pháp để chăm lo, giúp gia đình nạn nhân giảm bớt khó khăn thiếu thốn, nhất là những hộ đặc biệt khó khăn.

Tri ân những người ngày đêm chăm sóc nạn nhân da cam - 1

Tổ chức trao nhà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc Liêu đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức sâu sắc về hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường. Từ đó, có sự đồng cảm, sẻ chia, bằng tình thương và trách nhiệm, sự trả nghĩa cho cuộc sống hòa bình mà mọi người đang hưởng.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu bày tỏ sự tri ân đối với những tấm lòng nhân hậu của những người làm ông, bà, cha, mẹ ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng những nạn nhân da cam là bệnh nhân bệnh suốt đời, những tấm gương khắc phục bệnh tật, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, cũng như các tổ chức, cá nhân đã đồng hành với nạn nhân da cam trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân về vật chất, tinh thần và cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam tỉnh Bạc Liêu.

"Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam là lương tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và động viên nhân dân trong tỉnh tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này", Phó Chủ tịch Bạc Liêu nhấn mạnh.

Thời gian tới, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với tỉnh nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách đối với người có công nói riêng, Phó Chủ tịch Bạc Liêu cũng đề nghị các cấp Hội cần phát huy truyền thống "đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam", củng cố phát triển Hội, nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa nạn nhân với cộng đồng xã hội, góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tốt hơn nữa.

Theo lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bạc liêu, thời gian tới tiếp tục rà soát nắm chắc thực trạng nạn nhân có phân loại lý do khó khăn, mức độ khó khăn, khảo sát nắm tình hình số liệu nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 (cháu, chắt của người hoạt động kháng chiến) bị ảnh hưởng chất độc hóa học để báo cáo, kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH quan tâm giải quyết nhanh đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện chưa được công nhận để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.