Trên 42,8 triệu lượt lao động được nhận hỗ trợ từ các gói an sinh
(Dân trí) - Năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 71.400 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đây là thông tin vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố, liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết số 68 và 116 của Chính phủ.
Trong việc thực hiện Nghị quyết số 68 (sửa đổi bởi Nghị quyết số 126) và Quyết định số 23 của Thủ tướng (sửa đổi bởi Quyết định số 33), toàn quốc đã có 378.300 lượt người sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 33.564 tỷ đồng.
Thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 116 và Quyết định số 28, có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,8 triệu lượt người lao động trên cả nước đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 37.918 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Hơn 30 triệu lượt người thụ hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng, gồm: 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Riêng tại TPHCM, trên 8,85 triệu lượt đối tượng đã được hỗ trợ với số tiền 12.244 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Cần Thơ (905 tỷ đồng); Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).
Nghị quyết 68 gồm 12 nhóm chính sách hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau.
Với nhóm chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động đã được hỗ trợ 5.438 tỷ đồng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với trên 11,23 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng.
Trên 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết…
Với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.810 tỷ đồng, hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, ngân sách nhà nước đã chi trên 14.900 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho trên 11,25 triệu đối tượng.
Về nhóm chính sách cho vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt hồ sơ cho 2.485 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.325 tỷ đồng để trả lương cho 605.711 lượt người lao động. Hơn 2.310 tỷ đồng đã được giải ngân để hỗ trợ 2.474 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho hơn 600.000 lượt người lao động.
Trong tổng số người sử dụng lao động (NSDLĐ) được hỗ trợ vay vốn, số đơn vị sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc chiếm 58,4%; số NSDLĐ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động chiếm 28,3%; số NSDLĐ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm 13,3%.
12,8 triệu lao động nhận tiền từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với trên 12,1 triệu lao động thuộc diện được hỗ trợ. Có trên 351.500 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho trên 12,1 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là trên 1,6 triệu người. Có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền hỗ trợ trên 30.300 tỷ đồng, gồm: Trên 11,7 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 1,09 triệu người đã dừng tham gia. Tổng số tiền đã chi trả là hơn 30.000 tỷ đồng cho trên 12,69 triệu người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân...
Hỗ trợ 2.840 trẻ mồ côi
Cũng liên quan tới việc thực hiện chính sách an sinh, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em, gồm 2.840 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em - số tiền 14,2 tỷ đồng) và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em với số tiền 481 triệu đồng)…