Đắk Lắk:
Trẻ tự kỷ cần được yêu thương, không bị kỳ thị
(Dân trí) - Để giúp hiểu hơn về trẻ em bị chứng rối loạn phổ tự kỷ và sự chung tay giảm phân biệt, kỳ thị với trẻ tự kỷ, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ở trường học lẫn cộng đồng.
Tính đến năm 2018, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Số trẻ tự kỷ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng. Rối loạn phổ tự kỷ là một bất thường về phát triển thần kinh chưa có cách điều trị triệt để.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng, gia đình, nhà trường…đối với trẻ em tự kỷ vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến thực trạng khó khăn trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Tình trạng tự kỷ cần can thiệp càng sớm càng tốt để giúp trẻ cải thiện kỹ năng giao tiếp, cải thiện những hành vi chưa phù hợp, nhất là nâng cao kỹ năng xã hội với mong muốn giúp trẻ có khả năng tự lập và hòa nhập cộng đồng.
Do đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nâng cao năng lực và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tỉnh Đắk Lắk.
Quỹ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại trường học, các tổ dân phố, trong các gia đình… mục đích nhằm phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và nhận thức của toàn xã hội về chứng tự kỷ, giúp nhận thức đúng đắn về hội chứng này và nêu được tầm quan trọng của việc chăm sóc, can thiệp sớm, toàn diện đối với trẻ tự kỷ; đặc biệt việc phòng chống kỳ thị đối với trẻ tự kỷ.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt về tuyên truyền, hỗ trợ trẻ tự kỷ và tập huấn cho phụ huynh, hàng ngàn người dân, người chăm sóc trẻ tự kỷ, người làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em…
Chị Nguyễn Thị Hòa (ngụ huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết, khi con trai của chị lên 2 tuổi nhưng chậm nói, có nhiều biểu hiện lạ nên chị đã tìm hiểu và đưa bé đi khám thì được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.
Theo chị Hòa, ban đầu gia đình chị không hiểu rõ bệnh tự kỷ là như thế nào, bệnh này có bị kỳ thị không và hướng điều trị cho cháu gia đình cũng không nắm rõ nên rất hoang mang, lo lắng.
"Sau này chúng tôi đến với Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk và được nhiều đơn vị tổ chức tập huấn về kỹ năng chăm sóc cháu nên đã áp dụng. Đến nay tình trạng của cháu đã được cải thiện hơn trước rất nhiều", chị Hòa cho hay.
Theo ông Lâm Đình Nhiên - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk, việc quan tâm chăm sóc trẻ tự kỷ là thể hiện sự bình đẳng thực hiện Quyền trẻ em trong việc chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt."
Chúng tôi cũng mong rằng sẽ tiếp tục cùng phối hợp với các Sở, ban, ngành đồng hành trong việc quan tâm chăm lo cho trẻ tự kỷ trong thời gian tới giúp trẻ tự kỷ tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi" - ông Lâm Đình Nhiên nói.