Trẻ em ở Đà Nẵng đối mặt với “gánh nặng kép về dinh dưỡng”
(Dân trí) - Đó là thông tin từ Báo cáo tóm tắt về phân tích tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên của TP Đà Nẵng được công bố chiều 17/11 tại Đà Nẵng.
Chương trình do UBND TP Đà Nẵng và UNICEF phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới.
Theo đó Báo cáo, từ năm 2019, Đà Nẵng phối hợp UNICEF Việt Nam xây dựng Báo cáo phân tích tình hình trẻ em và vị thành niên thành phố Đà Nẵng nhằm đánh giá chính xác thực trạng thực hiện các quyền trẻ em theo luật định trên địa bàn thành phố, qua đó, xác định những ưu tiên để xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em
Báo cáo nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam), hỗ trợ Đà Nẵng tham gia Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Lễ công bố báo cáo SitAn là một mốc quan trọng đối với Đà Nẵng trong tiến trình trở nên thành phố thân thiện với trẻ em. Một thành phố thân thiện với trẻ em là nơi trẻ em được đặt ở vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
"Thành phố thực hiện điều đó thông qua việc đảm bảo rằng các chính sách và ngân sách của thành phố lấy trẻ em làm trung tâm, bằng cách đo lường những tiến bộ đạt được và cam kết chịu trách nhiệm về việc cải thiện các chỉ số chính liên quan tới trẻ em và bằng cách đảm bảo tất cả mọi hoạt động kể trên đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của trẻ em và thanh thiếu niên” - bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại lễ công bố.
Các phát hiện của Báo cáo chỉ ra các thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được trong việc thực hiện quyền trẻ em, nỗ lực xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Thành phố đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác đảm bảo trẻ em được đến trường; học sinh phổ thông được học trong các cơ sở công lập đạt tỷ lệ cao, từ 93 đến trên 98%; cứu sống các bà mẹ và trẻ em với tỷ suất tử vong mẹ và tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.
Đà Nẵng cũng đã thành lập ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam với 98,17% trẻ sơ sinh được bú mẹ trong vòng một giờ sau khi sinh; ban hành nhiều chính sách, chương trình an sinh xã hội trợ giúp cho trẻ em trong gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nguy cơ các nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau, nhất là trẻ khuyết tật, trẻ em nhập cư và trẻ em hộ nghèo. Những nhóm trẻ này cần nhận được sự quan tâm hơn nữa. Do các trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu, nên trẻ em phải theo học tại các cơ sở mầm non tư thục, điều này tạo thêm gánh nặng tài chính cho các gia đình nhập cư nghèo.
Suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn là một vấn đề thách thức đối với thành phố, cùng với đó tỷ lệ béo phì và thừa cân ở trẻ em khu vực thành thị ngày càng gia tăng, với gần 9% trẻ em dưới 5 tuổi được xác định béo phì.
“Trẻ em ở Đà Nẵng đang đối mặt với “gánh nặng kép về dinh dưỡng”. Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm mạnh trong giai đoạn từ 2006-2014. Tuy nhiên, sau đó xu hướng giảm bị chững lại với mức giảm hàng năm chỉ 0,9%. Nếu không có nỗ lực tích cực và đầu tư hợp lý, thành phố sẽ rất khó đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi xuống 12%. Trong khi đó, tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân và béo phì ở Đà Nẵng có xu hướng tăng, trong đó, 8,9% trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và béo phì, cao hơn mức trung bình toàn quốc là 7,1%”, báo cáo nêu.
UNICEF kiến nghị chính quyền Đà Nẵng có những hành động kịp thời để thực hiện những khuyến nghị từ Báo cáo. Cụ thể, lồng ghép và giám sát các chỉ tiêu và chỉ số cụ thể liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố, kế hoạch ngành và Chương trình hành động vì trẻ em; phân bổ ngân sách đầy đủ cho các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu của trẻ em; và thiết lập các cơ chế bền vững nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên trong các chương trình và chính sách của Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên nhấn mạnh: “Đà Nẵng luôn xác định trẻ em là thế hệ tương lai đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trở thành thành phố tiên phong, vì con người, thành phố hiện đại, thông minh, xanh và đáng sống cho mỗi công dân”.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành và đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn tới nhằm cụ thể hóa Luật Trẻ em, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như các tiêu chí Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Trần Văn Miên cũng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, sự đóng góp của các tổ chức thành phố, đặc biệt là UNICEF đã luôn đồng hành với TP Đà Nẵng trong việc hỗ trợ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian qua. Điều đó đã góp phần giúp trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của thành phố có điều kiện được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục ngày càng tốt.
Chủ đề của Ngày Trẻ em thế giới năm nay là “Vì một Việt Nam xanh và sạch hơn cho mọi trẻ em", nêu bật quyền của mỗi trẻ em được sống trong một môi trường sạch và an toàn. Đà Nẵng đã tích cực tham gia vào Sáng kiến này thông qua việc công bố Báo cáo tóm tắt phân tích tình hình trẻ em và trẻ vị thành niên của thành phố với sự tham gia của các bên có liên quan. Nhân sự kiện ý nghĩa này, thành phố sẽ thắp xanh các công trình biểu trưng của thành phố như Cầu Rồng, Cầu Sông Hàn... từ tối ngày 17-20/11 nhằm thể hiện cam kết của thành phố trong thực hiện quyền trẻ em.