Trẻ em cần được bảo vệ, chăm lo, phát triển!
(Dân trí) - "Nghe trẻ em nói, nói cho trẻ em hiểu" trên tinh thần quyền trẻ em được tôn trọng, thực thi; trẻ em cần được bảo vệ, chăm lo phát triển..."
Đây là khẳng định của ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, tại Diễn đàn "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị với trẻ em" năm 2020, tổ chức hôm 13/12.
Diễn đàn do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức, cùng hơn 150 em học sinh các trường Tiểu học, THCS đại diện cho hơn 103 nghìn đội viên, thiếu nhi trên địa bàn tỉnh tham dự.
Cần tạo sân chơi cho trẻ em vùng nông thôn
Hiếm có dịp trẻ em được thẳng thắn trao đổi, nói lên suy nghĩ, ý nguyện của mình trước các đại biểu Quốc hội và đại diện các Sở, ngành địa phương.
Rất nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến quyền trẻ em đã được học sinh các địa phương phát biểu tại diễn đàn. Trong đó, những ý kiến, nguyện vọng nhấn mạnh đến quyền, bổn phận và việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như các cơ hội giúp các em phát triển toàn diện như: Nâng cao thiết chế văn hóa Nhà thiếu nhi và các bộ môn rèn luyện, phát triển kỹ năng trẻ em; giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em; hỗ trợ xây dựng bể bơi miễn phí, tập huấn nâng cao các kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em; …
Trước vấn đề học sinh nêu về việc thiếu sân chơi cho trẻ em, bà Nguyễn Thị Huế - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh cho rằng, hiện nhà thiếu nhi huyện Vĩnh Linh do sử dụng lâu năm đang rơi vào tình trạng xuống cấp, vì vậy phải tạm dừng hoạt động vui chơi, giải trí.
"Lãnh đạo huyện rất quan tâm đến vấn đề này. Vừa qua, tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng Nhà văn hóa trung tâm huyện Vĩnh Linh, lồng ghép hoạt động của nhà thiếu nhi huyện Vĩnh Linh. Đây sẽ là sân chơi cho trẻ em địa phương trong tương lai", bà Huế khẳng định.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là các vụ đuối nước liên quan đến trẻ em ngày càng nhiều, nhất là vùng nông thôn, vùng núi, cần trang bị kỹ năng cho học sinh.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT&DL) thừa nhận, do địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc nên vấn đề đuối nước liên quan đến độ tuổi học sinh là thực trạng đáng buồn.
"Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra 86 vụ, riêng năm 2020 có 11 vụ đuối nước. Dù đã có dấu hiệu giảm dần nhưng vẫn ở mức cao", vị này thẳng thắn.
Nguyên nhân do các em thiếu hiểu biết về kỹ năng bơi lội và thiếu sân chơi cho trẻ em, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Hiện toàn tỉnh mới có 42 bể bơi, các huyện mới có 32 bể bơi, còn rất ít so với nhu cầu.
Làm gì để giảm thiểu bạo lực học đường?
Bạo lực học đường được coi là thực trạng đáng báo động hiện nay. Em Trương Phan Khiết Tâm, học sinh ở thị xã Quảng Trị đặt vấn đề bạo lực học đường là vấn đề nóng, gây xôn xao dư luận, một số vụ việc được đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc trong cộng đồng.
Ngoài ra, hàng ngày em thấy những trường hợp anh chị lớp trên đe dọa, xin đểu...Mặc dù các thầy cô giáo đã hướng dẫn ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.
Ông Võ Văn Minh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị - nói rằng, bạo lực học đường là vấn đề nóng nhiều năm qua, nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới.
Bạo lực học đường bao gồm nhiều hành vi, như bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần… Bạo lực đã gây những hậu quả, tổn thương lớn về thể trạng và tinh thần ở các em. Việc ngăn chặn bạo lực học đường đang đặt ra vấn đề cấp thiết, ngành giáo dục Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn bạo lực học đường và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này. Với ngành giáo dục, cần nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc tổ chức, ngăn chặn bạo lực học đường. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, dân chủ và văn minh.
Quan tâm, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, dạy chữ và dạy người. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Học sinh xây dựng lối sống đẹp, nâng cao hiểu biết cho học sinh…
Thiếu tá Phạm Thành Long - Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh cho rằng, trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường không chỉ riêng nhà trường mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Về phía ngành công an, thời gian qua đã thực hiện đấu tranh phòng ngừa chung và các đối tượng xâm hại tình dục.
Ngành công an đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Tuy nhiên, ở một số địa bàn, nhận thức của các em về vấn đề này còn hạn chế, cần nâng cao nhận thức cho các em trước thực trạng này để các em mạnh dạn cất lên tiếng nói...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Thắng cho biết: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ thực hiện giám sát việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức liên quan đối với những kiến nghị được đưa ra. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp nhận đầy đủ, chuyển đến cấp có thẩm quyền để trẻ em có điều kiện tốt hơn tham gia vào các nội dung kiến nghị.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng đã trao tặng 20 chiếc xe đạp nâng bước em đến trường cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn giúp các em an tâm học tốt.