"Trẻ bị xâm hại đã khổ, thêm truyền thông xâm phạm nữa thì sống sao!"

Gia Đoàn

(Dân trí) - Đây là vấn đề PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nêu trong hội nghị tổng kết hoạt động tư vấn và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 20 năm qua.

Hội nghị tổng kết hoạt động tư vấn và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 giai đoạn 2004-2024 do Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 14/6 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức là dịp để nâng cao nhận thức và sự tiếp cận của trẻ em, người lớn cũng như sử dụng các dịch vụ của Tổng đài 111.

6 triệu cuộc gọi, nửa triệu ca hỗ trợ, 11.000 ca can thiệp 

Theo số liệu thống kê từ Cục Trẻ em, trong vòng 20 năm qua, Tổng đài 111 đã nhận gần 6 triệu cuộc gọi đến trong đó tư vấn và hỗ trợ 496.183 ca, can thiệp hơn 10.900 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, bị bỏ rơi, bỏ mặc, sao nhãng, trẻ cần hỗ trợ về tài chính và các trường hợp vi phạm quyền trẻ em.

Trong số 496.183 cuộc gọi tư vấn của tổng đài có 33.967 cuộc gọi tư vấn về xâm hại bạo lực; 98.237 cuộc tư vấn liên quan tới những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên gia đình, bạn bè, thầy cô và cộng đồng; 43.286 cuộc gọi tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em; 19.713 cuộc gọi tư vấn liên quan tới tâm lý trẻ em; 17.907 cuộc gọi tư vấn về sức khỏe sinh sản trẻ em.

Trẻ bị xâm hại đã khổ, thêm truyền thông xâm phạm nữa thì sống sao! - 1

Kết quả thống kê cho thấy, số cuộc gọi về xâm hại bạo lực trẻ em có xu hướng tăng đột biến những năm gần đây. Từ năm 2019 đến nay, tỉ lệ các cuộc gọi về vấn đề này trung bình chiếm trên dưới 50%. Đặc biệt trong các ca can thiệp của Tổng đài, tỷ lệ các ca xâm hại, bạo lực chiếm tỷ lệ cao với 45,28% là ca bạo lực và 24,31% là ca xâm hại tình dục.

Những năm gần đây, không chỉ người chăm sóc trẻ, người thân của trẻ, trẻ em gọi tới đề nghị tư vấn kết nối can thiệp cho con em mình khi rơi vào tình trạng bị xâm hại, cho thấy tín hiệu phản ứng tích cực của xã hội trước vấn đề xâm hại trẻ em.

Trẻ em không biết đến tổng đài bảo vệ trẻ em?

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, chia sẻ qua khảo sát nghiên cứu cho thấy, trẻ em thuộc nhóm chưa được tiếp cận và có nhận thức thấp nhất về vai trò của Tổng đài 111.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa quan hệ quốc tế Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết trong quá trình tham gia hoạt động, bản thân ông được nâng cao những hiểu biết chính sách đối với trẻ em cũng như công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng dự án gần 10 năm về "Truyền thông cho các nhà báo khi làm việc với trẻ em".

"Làm truyền thông cho trẻ em để câu người xem rất dễ, nhưng làm đúng chính sách mới khó. Báo chí làm việc với trẻ em không chỉ vì tình thương, trách nhiệm mà cần cả sự hiểu biết.

Một em bé bị xâm hại đã rất khổ, nhưng nếu tiếp tục bị truyền thông xâm phạm riêng tư thì cuộc sống sẽ khổ gấp vạn lần. Hiện nay, nhà báo muốn viết về trẻ em rất cần được đào tạo về công ước quốc tế, luật trẻ em mới đủ ý thức để không xâm hại thêm các em trên báo chí, truyền thông", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh khuyến cáo.

Tổng đài 111 được sự quản lý của Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH, là đường dây khẩn cấp hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu.

Bắt đầu hoạt động từ ngày 6/12/2017, đến nay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã thực sự trở thành chỗ dựa bình an cho trẻ em.