Tranh cãi những cô gái độc thân, xinh đẹp đua nhau chụp ảnh... bầu giả
(Dân trí) - Một trào lưu mới gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc khi nhiều thiếu nữ trẻ, độc thân, đeo bụng giả để chụp ảnh bầu.
Cơn sốt "chụp ảnh bầu giả" đã trở thành tâm điểm chú ý tại Trung Quốc sau đoạn video của Meizi Gege - người có sức ảnh hưởng thuộc thế hệ Gen Z đến từ tỉnh Hồ Nam với hơn 5,7 triệu người theo dõi.
Theo đó, ngày 13/10, Meizi đã khoe những bức ảnh bầu với vóc dáng thanh mảnh và gương mặt tươi trẻ.
"Khi vẫn còn thon thả, tôi tranh thủ đeo bụng bầu giả để chụp ảnh, tận hưởng cuộc sống. Tôi thậm chí còn làm điều đó với người bạn thân nhất của mình!", Meizi viết.
Trong video, cô gái được nhiếp ảnh gia và trợ lý gắn phụ kiện, đeo bụng giả. Sau đó, cô tự hào khoe vóc dáng hoàn hảo của mình.
Một người phụ nữ đã xem video cho biết: "Tôi đã học được điều gì đó mới. Tôi sẽ mua một chiếc bụng giả và chụp ảnh bầu khi tôi vẫn còn thon thả nhất!".
Một cô gái 26 tuổi cho biết đã chụp ảnh bầu giả từ năm 23 tuổi dù chưa kết hôn, trong khi một nữ sinh cho hay đã chụp ảnh cưới từ năm 22 tuổi, "phòng trường hợp có nếp nhăn khi 30 tuổi".
Trào lưu chụp ảnh này giúp các cô gái lưu lại những khoảnh khắc quan trọng nhất khi họ đang ở thời kỳ đỉnh cao nhan sắc.
Quá trình chụp ảnh bầu giả không quá phức tạp, chỉ cần một chiếc "bụng giả" có nhiều kích cỡ và kết cấu khác nhau cho giai đoạn đầu, giữa và cuối thai kỳ trên các cửa hàng trực tuyến.
Sự phổ biến của những bức ảnh như vậy xuất phát từ mong muốn của phụ nữ có những bức ảnh bầu đẹp bất kể cơ thể có thay đổi gì sau này trong thai kỳ.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại trào lưu này củng cố tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế như "trắng, gầy và trẻ", thúc đẩy sự lo lắng về ngoại hình và hình ảnh cơ thể ở những bà mẹ mới sinh.
Những bức ảnh bầu giả thường ám chỉ phụ nữ phải duy trì vóc dáng trẻ trung, thon thả trong thời kỳ mang thai. Theo các nhà phê bình, đây được xem là một kỳ vọng không thực tế.
Cơn sốt "chụp ảnh bầu giả" đã làm dấy lên những cuộc thảo luận hài hước và sôi nổi trên mạng xã hội.
"Tôi sẽ chụp ảnh mừng sinh nhật lần thứ 70 của mình rồi thỉnh thoảng đăng lên mạng xã hội sau, trông tôi trẻ hơn nhiều!", một người nói.
"Tôi sẽ dành thời gian sắp xếp ảnh tang lễ của mình trước khi chết", một người khác hài hước.
"Tôi phải chụp nhiều ảnh hơn khi còn trẻ, để có thể dùng chúng cho mục đích hẹn hò trực tuyến khi tôi lớn tuổi hơn", người khác nêu quan điểm.
Xu hướng này còn trở thành chủ đề bàn tán rộng rãi khi phá vỡ những định kiến truyền thống: Phụ nữ phải trải qua các giai đoạn yêu, kết hôn, mang thai và sinh con.
Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc vô cùng sốc, tự hỏi tại sao "không chồng mà chửa", từng bị coi là điều đáng xấu hổ trong văn hóa truyền thống, giờ đây lại trở nên phổ biến trong thế hệ Gen Z.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chứng kiến xu hướng tỷ lệ kết hôn thấp và tỷ lệ sinh giảm, Bộ Nội vụ nước này công bố, 9 tháng đầu năm 2024 chỉ có 4,75 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn - con số thấp nhất từng được ghi nhận.