Trăn trở của Bộ trưởng LĐ-TB&XH khi người lao động rút bảo hiểm một lần
(Dân trí) - "Có nhiều lý do nhưng phải thấy trước hết, người lao động rút bảo hiểm là vì khó khăn thực sự. Gốc rễ việc này là do lưới an sinh, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ nuôi con… với người dân chưa đủ".
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu nhận định này tại cuộc làm việc với nhóm chuyên gia của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để trao đổi về chiến lược an sinh xã hội tại Việt Nam chiều 28/6. Đây là cuộc tham vấn chính sách do chính Bộ trưởng Dung "đặt hàng" một tuần trước.
"Đau đầu với chuyện người lao động rút bảo hiểm một lần"
Ông Nuno Cunha - chuyên gia cao cấp của ILO nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện chính sách an sinh xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế. Thực tế, Việt Nam được biết đến là nước thành công lớn với việc bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân. Con số thống kê đưa ra, đến nay, 90% dân số đã có bảo hiểm y tế với những gói, dịch vụ chăm sóc sức khỏe khá toàn diện. Tỷ lệ tiếp cận bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí cũng tăng mạnh trong 5 năm qua. Tuy vậy, cũng mới chỉ 33% lực lượng lao động (tương đương 16,5 triệu người) đang tham gia bảo hiểm xã hội. Khoảng cách về giới cũng cần xử lý khi chỉ có 12% phụ nữ được hưởng lương hưu từ bảo hiểm xã hội so với tỷ lệ 26% ở nam giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có những nhóm bị bỏ sót chính sách khi chưa đủ nghèo để hưởng trợ giúp xã hội nhưng cũng không ổn để tự lo được cuộc sống, tham gia bảo hiểm tự nguyện. Thực tế, nhóm bị bỏ sót này đã thể hiện rõ hơn, nhiều hơn trong đại dịch Covid-19. Khoảng trống chính sách cũng thực sự bộc lộ trong chế độ hưu trí với người từ 69-70 tuổi, khoảng "chơi vơi" vì chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm để có lương hưu, cũng đã hết tuổi lao động để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Chuyên gia ILO đặt vấn đề, đến 2030, Việt Nam muốn thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao thì mọi người phải được hưởng mức độ an sinh xã hội nào đó, trước hết là chế độ hưu trí, sao đảm bảo để mỗi người dân được hưởng mức hưu trí nhất định. Nguồn lực thì có hạn nên để giải quyết được yêu cầu, theo ông Nuno Cunha, cần huy động người tham gia bảo hiểm xã hội đóng ở mức nhiều, cao hơn.
"Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ từng hỏi, làm thế nào có thêm nguồn lực để xây dựng chính sách an sinh đa tầng. Rõ ràng không thể huy động lớn từ ngân sách mà phải từ người đóng bảo hiểm xã hội. Hiện mức chi cho an sinh xã hội của Việt Nam mới đạt 4% GDP trong khi tỷ lệ chung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã là 8%. Muốn đạt tới mức này, Việt Nam phải huy động được những nguồn lực mạnh mẽ hơn" - chuyên gia ILO khuyến cáo.
Ông cũng nhắc tới mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 28 của Trung ương về bảo hiểm xã hội, đến 2030 đạt tỷ lệ bao phủ lương hưu đến 60%. Với tốc độ bao phủ hiện nay, cần phải nhiều năm nữa mới hi vọng đạt được.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, tới đây, luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ được sửa, với định hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm từ mức tối thiểu 20 năm hiện nay xuống 15 năm, tiến tới kéo xuống 10 năm để nhiều người tiếp cận được với lương hưu, chế độ hưu trí hơn.
"Thực tế, ILO cũng từng đánh giá rằng Việt Nam nghèo mà còn hào phóng, bảo hiểm đóng ít mà hưởng nhiều, thời gian đóng ngắn mà hưởng dài. Nhưng thực sự, ở mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thì cuộc sống của người hưu trí cũng vẫn còn khó khăn. Vừa qua, chúng tôi đau đầu với vấn đề người lao động rút bảo hiểm một lần" - Bộ trưởng đề nghị đại diện tổ chức Lao động quốc tế đóng góp ý kiến về vấn đề này.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, đây là vấn đề ông rất trăn trở vì có nhiều lý do nhưng phải thấy trước hết, người lao động quyết định rút bảo hiểm là vì khó khăn thực sự. Bản tính người Việt, theo ông, luôn cần cù, siêng năng làm lụng, chắt bóp cho gia đình, cho con cháu, lại luôn ý thức tự chủ sâu sắc, cho tương lai… nên nếu không phải khó khăn, người lao động sẽ không rút tiền một lần, chấp nhận nhiều thiệt thòi.
Bộ trưởng nêu vấn đề: "Tôi cho rằng gốc rễ sâu xa là lưới an sinh xã hội, là nhà ở, là thu nhập, là lương tối thiểu, là chính sách hỗ trợ nuôi dạy con cái… với người lao động chưa đủ. Vậy, với bối cảnh Việt Nam hiện nay, hướng cải cách, cải thiện việc này thế nào?".
Không "chặt bỏ" quyền lợi của người lao động
Đáp lại câu hỏi đặt ra, ông Nuno Cunha nêu kinh nghiệm từng quan sát vấn đề này tại Malaysia. Tài khoản hưu trí của người lao động tại đây là tài khoản cá nhân mà nếu được "rót" tiền về một lần thì thực tế, hầu hết người hưởng chế độ tiêu hết trong thời gian ngắn. Đây cũng chính là chuyện "rút bảo hiểm một lần". Nhưng thực sự, những người thụ hưởng chính sách đều nhận thấy và mong muốn được nhận tiền từng tháng, dù là một khoản nhỏ, còn hơn nhận luôn một khoản lớn và tiêu tán sạch sau đó.
Suốt 6-7 năm qua, theo ông Nuno Cunha, Malaysia cũng chưa thay đổi được nhiều tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Singapore mất nhiều thời gian hơn nhưng nỗ lực đã mang lại hiệu quả, làm chuyển biến tình hình, với cách làm rất từ từ, mỗi năm nâng điều kiện thời gian được rút bảo hiểm lên một chút.
Từ đó, chuyên gia ILO khuyến cáo, không nên quy định cứng để "chặn" việc người dân rút bảo hiểm một lần nhưng nếu tăng dần điều kiện, giống như nâng tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng một vài tháng thì người dân sẽ hiểu hơn, dần ý thức đầy đủ về lưới an sinh quan trọng này.
Một chuyên gia khác đến từ ILO nêu nhận định, những người rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là lao động nữ, vào thời điểm chuẩn bị sinh con và có ý định nghỉ việc luôn khi đó. Như vậy, để ngăn tình trạng này thì cần chính sách khuyến khích có điều kiện khác đi kèm như một khoản trợ cấp nuôi con khi trở lại làm việc mà nếu đã rút bảo hiểm rồi thì không được hưởng nữa. Việc này, theo chuyên gia ILO, tương thích với nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về nguyên nhân gốc rễ là các chính sách an sinh chưa đủ để hỗ trợ, nâng đỡ người lao động ở những thời điểm khó khăn.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen, người được Bộ trưởng Lao động "đặt hàng" trong cuộc làm việc đúng một tuần trước về nội dung tham vấn này thông tin thêm, đã có nhiều quốc gia trải qua tiến trình giống Việt Nam hiện nay. Thái Lan hay Pakistan đều cần một khoảng thời gian dài để người dân ý thức rõ, nên lĩnh tiền hưu trí hàng tháng hơn là hưởng một lần.
Ngoài ra, bà Ingrid Christensen nhận xét, tỷ lệ thay thế trong hệ thống hưu trí Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể tạo ra mức lương hưu phù hợp trong nhiều trường hợp. Điều này chủ yếu do cách xác định thu nhập đóng bảo hiểm xã hội trong hệ thống vẫn thấp hơn đáng kể so với mức lương thực tế mà người lao động nhận được. Do đó, mức hưởng lương hưu thực tế vẫn thấp hơn so với các nước có trình độ phát triển tương tự.
Theo Giám đốc Quốc gia ILO, kinh nghiệm cho thấy nên tăng dần mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội, nhưng không nên thay đổi tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Bày tỏ tâm đắc với những gợi ý thú vị các chuyên gia lao động quốc tế đưa ra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thống nhất nhận định, đối tượng rút bảo hiểm một lần nhiều nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ, người lao động thuê trọ nên cần có chính sách để hỗ trợ người lao động về vấn đề nhà ở, chăm sóc con cái thì mới hạn chế được việc rút bảo hiểm. Quan điểm của cơ quan quản lý lĩnh vực cũng là không đi theo hướng "chặt bỏ" quyền lợi của người lao động mà cố gắng gia tăng lợi ích được hưởng để phát triển chính sách bảo hiểm xã hội một cách thực chất, bền vững.