TPHCM tăng hơn 2.000 trường hợp thất nghiệp
(Dân trí) - Tháng 11, TPHCM có hơn 14.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.000 trường hợp so với tháng 10.
Cục Thống kê TPHCM vừa có báo cáo kinh tế xã hội TPHCM tháng 11 và 11 tháng năm 2023.
Theo báo cáo, trong tháng 11, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 23.924 lượt người, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 11 tháng năm 2023 là 291.985 lượt người, đạt 97,3% kế hoạch năm.
Trong tháng 11 có 12.491 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới 11 tháng là 131.865, đạt 94,2% kế hoạch năm.
Về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong tháng 11, TPHCM đã tiếp nhận 14.227 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 14.938 người lao động.
So với tháng 10, trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.016 trường hợp, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 1.298 người.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, thành phố đã tiếp nhận 142.704 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 140.645 người lao động đủ điều kiện.
So với cùng kỳ năm 2022, trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 14.057 trường hợp, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 15.677 người.
Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11 ước tính tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp thành phố. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 11 ước tính tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ.
Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước nhưng giảm 4,1% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, một số ngành có chỉ số lao động tăng như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 32,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 26,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 23,4%.
Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác giảm 12,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 9,4%.