TPHCM điều chỉnh chuẩn nghèo, nhiều con số bất ngờ
(Dân trí) - Từ ngày 1/10/2024, TPHCM áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 mới được điều chỉnh theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND.
Nghị quyết 15/NQ-HĐND vừa được HĐND TPHCM Khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 17, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.
Nghị quyết 15/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND Thành phố về Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết 15 điều chỉnh các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều cho tương đồng với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Hiện chuẩn nghèo đa chiều của TPHCM áp dụng theo Nghị quyết 13 có một số tiêu chí khác biệt với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia gồm 12 chỉ số thiếu hụt. Chuẩn nghèo đa chiều thành phố có 10 chỉ số thiếu hụt thì có 9 chỉ số giống chuẩn quốc gia, không thực hiện 3 chỉ số (nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin) vì 3 chỉ số này đã hoàn thành.
Về chiều thu nhập, chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025 là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Trong khi đó, chuẩn nghèo thành phố lên đến 3 triệu đồng/người/tháng (áp dụng toàn thành phố) và kèm thêm chỉ số thiếu hụt về người phụ thuộc.
Chuẩn nghèo đa chiều của thành phố còn nhiều hơn chuẩn quốc gia 1 chỉ số thiếu hụt là bảo hiểm xã hội (hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động đang làm việc có thu nhập mà không tham gia BHXH).
Sau khi điều chỉnh theo Nghị quyết 15, các tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo đa chiều của TPHCM gần như tương đồng với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Tuy nhiên, chuẩn nghèo đa chiều của TPHCM theo Nghị quyết 15 vẫn có điểm khác biệt với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Cụ thể, chuẩn nghèo TPHCM theo Nghị quyết 15 vẫn khác về chỉ số thu nhập và chiều thiếu hụt việc làm (nhiều hơn chuẩn nghèo quốc gia 1 chỉ số).
Tuy sự điều chỉnh này không lớn nhưng cũng tạo ảnh hưởng nhất định. Sau quá trình điều chỉnh tiêu chí đánh giá có 753 hộ gia đình từ xếp loại hộ nghèo theo Nghị quyết 13 trở thành hộ cận nghèo theo nghị quyết 15.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết ngành lao động sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố kiến nghị HĐND ban hành chính sách hỗ trợ cho những hộ này trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025.
Chính sách hỗ trợ có thể thông qua các khoản chi như hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm y tế… để họ thực sự thoát nghèo bền vững.