753 hộ bỗng dưng… thoát nghèo, dù vẫn nghèo
(Dân trí) - Theo chính sách mới, 753 hộ dân trên địa bàn thành phố bỗng dưng… thoát nghèo. Trong khi đó, thực tế năng lực kinh tế của các hộ trên chưa đầy đủ, cần sự hỗ trợ của thành phố.
Thoát nghèo sau khi áp dụng chính sách mới
Ngày 6/9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị giao ban hoạt động ngành trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM, cho biết sau khi Nghị quyết 15/NQ-HĐND được ban hành (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 13/NQ-HĐND quy định về chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) thì trên địa bàn thành phố có 753 hộ nghèo bỗng dưng… thoát nghèo.
Bởi căn cứ theo Nghị quyết 13/NQ-HĐND thì các hộ này thuộc hộ nghèo. Áp dụng Nghị quyết 15/NQ-HĐND thì họ chuyển thành hộ cận nghèo. Như vậy, các hộ này thoát nghèo chủ yếu do điều chỉnh chính sách chứ thực tế kinh tế chưa cải thiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo cũng đã nghiên cứu, trao đổi với Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân TP và đề xuất hỗ trợ những hộ trên cho đến hết giai đoạn 2021-2025.
Việc hỗ trợ chủ yếu thông qua chính sách như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ dạy nghề… chứ không chi tiền mặt. Những khoản chi tiền mặt như hỗ trợ tiền điện, học phí… thì mỗi hộ trung bình được nhận gần 3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, Sở Tư pháp Thành phố đánh giá việc hỗ trợ trên mang tính cá biệt, không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách, nếu ban hành sẽ vi phạm các quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, việc 753 hộ trên thoát nghèo chủ yếu là do điều chỉnh chính sách. Do đó, thành phố cần hỗ trợ họ thêm một thời gian để họ thực sự thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Thinh chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM cần nghiên cứu kỹ để tham mưu cho thành phố ban hành chính sách phù hợp, tìm mọi cách để hỗ trợ người dân nghèo.
Ông Thinh cho rằng: "Không nên nghĩ số lượng hộ dân bị ảnh hưởng nhỏ, số tiền hỗ trợ ít mà không để tâm, không làm quyết liệt. Với người nghèo, hỗ trợ vài triệu đồng đối với họ cũng là số tiền lớn".
Tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn 13%
Tại hội nghị, bà Lại Thị Bích Trâm, Phó Chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH TPHCM, trình bày báo cáo hoạt động tháng 8 của ngành lao động thành phố.
Trong tháng, các thành phần kinh tế đã thu hút giải quyết việc làm cho gần 27.000 lượt người, trong đó số việc làm mới tạo ra là hơn 13.500 chỗ. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho hơn 221.300 lượt, đạt 73,78% kế hoạch, tăng 2,28% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã đưa 9.124 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, người sinh sống tại Thành phố đi làm việc là 1.094 người.
Đáng chú ý, trong tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tiếp nhận 13.457 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 2.053 hồ sơ (tương ứng giảm 13,24%) so với tháng 7 năm 2024 (15.510 hồ sơ).
Trong đó, Trung tâm đã trình Sở LĐ-TB&XH ký ban hành 13.554 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và 60.617 lượt người thông báo tình trạng việc làm hàng tháng.
Trong tháng 8, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố cũng đã phối hợp tổ chức 2 phiên, sàn giao dịch việc làm; tư vấn việc làm cho hơn 21.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 3.612 lượt người, số người nhận được việc làm là 1.304 người.
Tính đến hết tháng 8, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã hoàn thành 16/25 nội dung trình UBND Thành phố (đạt 64% kế hoạch năm) và chương trình công tác của Sở hoàn thành 25/30 (đạt 83,33% kế hoạch năm).
Điểm nổi bật trong tháng 8 của Sở là đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa hướng đến kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2024); tổ chức Chương trình về nguồn thăm chiến trường xưa tại Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế cho người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành (28/8/1945-28/8/2024)…