TPHCM: 17 tuyến phố là tụ điểm gái bán dâm đứng đường vời khách
(Dân trí) - Hiện TPHCM còn 17 tuyến đường với 66 phụ nữ đứng đường mời khách mua dâm. Tuy nhiên, số phụ nữ bán dâm tại các cơ sở dịch vụ nhạy cảm và trên mạng internet còn lớn hơn rất nhiều.
"Phố vẫy" và quán "đèn mờ"
Theo báo cáo công tác phòng chống mại dâm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã tổ chức 210 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng, triệt phá 48 vụ án mua bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Trong 48 vụ trên, cơ quan chức năng phát hiện 397 người vi phạm (128 người mua dâm, 155 người bán dâm và 114 chủ chứa, môi giới mại dâm); xử lý vi phạm hành chính 290 người và lập hồ sơ xử lý hình sự 107 đối tượng.
Năm 2023, Tòa án nhân dân TPHCM cũng đã tiến hành xét xử 20 vụ án mại dâm với 33 bị cáo; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố khởi tố 35 vụ với 89 bị can, truy tố 18 vụ với 30 bị can.
Tuy nhiên, qua nắm tình hình tại các khu vực công cộng, cơ quan chức năng TPHCM chỉ phát hiện 17 điểm, tụ điểm, tuyến đường có khoảng 66 người nghi vấn hoạt động mại dâm bằng hình thức đứng đường mời khách hoặc dùng xe gắn máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm.
Vi phạm mua bán dâm chủ yếu được phát hiện tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện TPHCM có 4.526 cơ sở kinh doanh dịch vụ với hơn 10.000 nhân viên. Một số cơ sở kinh doanh biến tướng trá hình sử dụng tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, khiêu dâm, kích dục cho khách...
Trong năm 2023, lực lượng liên ngành văn hóa - xã hội tổ chức kiểm tra 4.200 lượt cơ sở thì phát hiện 1.234 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội; kiểm tra 107 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thì phát hiện 14 cơ sở liên quan khiêu dâm, kích dục…
Ngoài ra, mạng internet đang được xác định là môi trường xuất hiện tệ nạn mại dâm phổ biến hơn cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm hay các địa điểm công cộng.
Gắn mác người mẫu, hoa khôi để "thổi giá" phụ nữ bán dâm
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH TPHCM, xu hướng lợi dụng công nghệ và các trang mạng internet để điều hành các đường dây mại dâm đang gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng môi giới lợi dụng công nghệ để tạo lập những đường dây mại dâm trải dài khắp tỉnh thành, xuyên quốc gia và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Như đường dây bán dâm Công an TPHCM phát hiện vào ngày 27/12/2023, 2 đối tượng cầm đầu đường dây là Hồ Thị Hạnh và Đậu Thị Liên đã sử dụng mạng xã hội để xây dựng các cô gái trong đường dây của mình thành những cô gái nổi tiếng, thành đạt với "mác" sinh viên, người mẫu, hoa khôi… Từ đó, các cô gái trong đường dây này được định giá rất cao, từ 14 đến 50 triệu đồng cho 1 lượt tiếp khách.
Hạnh và Liên sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên internet để gửi hình ảnh, thông tin mạng xã hội của họ cho khách hàng, kết nối mua bán dâm một cách bí mật, khó bị phát hiện.
Ngoài ra, các đối tượng môi giới còn sử dụng công nghệ để xây dựng những đường dây mua bán dâm trực tuyến bằng hình thức webiste cung cấp thông tin người bán dâm như gait…, gaig…
Trên những website này, các đối tượng môi giới quảng bá phụ nữ bán dâm với đầy đủ thông tin về giá cả, địa điểm, điện thoại liên lạc… Từ đó, người mua dâm và bán dâm trực tiếp liên hệ với nhau nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, để khám phá các tổ chức mại dâm này, cán bộ tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm phải có trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cao.
Tuy nhiên, hiện nay trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật được cấp phát và năng lực hiện tại của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc phát hiện, điều tra, xử lý.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, do hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa kịp thời sửa đổi nên nhiều hành vi nảy sinh liên quan đến mại dâm nhưng chưa có điều chỉnh phù hợp.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm hoặc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm thay thế Pháp lệnh. Lý do là một số nội dung của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất bổ sung các quy định xử lý đối với hành vi mại dâm nam; mại dâm đồng tính; chứa chấp sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; tăng cường các biện pháp chế tài đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ không đăng ký bản cam kết về phòng, chống tệ nạn mại dâm…