Tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân, Chủ tịch Phú Yên liên tục đôn đốc

Trung Thi

(Dân trí) - Khoảng 22.000 người dân ở Phú Yên thuộc các nhóm được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá việc chi trả mới được vài trăm hồ sơ tới nay là quá chậm so với yêu cầu đặt ra.

Mới có gần 600 hồ sơ được giải quyết

Bà Nguyễn Thị Phượng kiếm sống bằng nghề bán hàng rong tại đường Nguyễn Tất Thành (phường 2, TP Tuy Hòa). Vì mục tiêu đảm bảo phòng, chống dịch, bà đành phải nghỉ mưu sinh và ở nhà suốt 2 tháng nay. Ngoài ra, 2 cậu con trai của bà làm lao động tự do cũng mất việc.

Khi được hướng dẫn làm thủ tục nhận hỗ trợ cho lao động tự do thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Phượng đã làm đơn theo mẫu nhưng chưa được giải quyết.

"Do ảnh hưởng dịch bệnh, 3 mẹ con tôi không làm được ra đồng nào, nên số tiền tiết kiệm trước đó nhanh chóng ra đi. Nghe được nhà nước hỗ trợ, tôi đã làm đơn nhưng chưa được giải quyết. Mong các cấp, ngành sớm giải quyết để gia đình có thêm đồng tiền mua thức ăn trong những ngày giãn cách" - bà mong muốn.

Tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân, Chủ tịch Phú Yên liên tục đôn đốc - 1

Các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ở thị xã Sông Cầu nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68 (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Phú Yên).

Thống kê mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, tính đến 24/8, Sở đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 3.462 trường hợp với số tiền dự kiến chi là hơn 7,2 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã thẩm tra và lập thủ tục trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ  590 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Phát biểu tại cuộc họp đánh giá 2 tháng chống dịch Covid-19 ở Phú Yên ngày 30/8, ông Phạm Đại Dương - Bí thư tỉnh ủy Phú Yên thông tin, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thông qua việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Dự kiến sẽ có khoảng 22.000 người trên địa bàn tỉnh thuộc các nhóm đối tượng, được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, đến nay việc chi trả mới được vài trăm hồ sơ là quá chậm so với yêu cầu đặt ra.

"Người dân đang rất vất vả và gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy các ngành chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ chi trả theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ" - Bí thư tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu.

Tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân, Chủ tịch Phú Yên liên tục đôn đốc - 2

Nhiều khu vực bị phong tỏa, thực hiện Chỉ thị 16 cũng là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Nghị quyết 68 ở Phú Yên còn chậm.

Lý giải về việc chậm trễ này, ông Đinh Khắc Đô - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến việc mới giải quyết được gần 600 hồ sơ theo Nghị quyết 68 là do tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; việc đi lại làm thủ tục, hồ sơ còn khó khăn".

Ngoài ra, có một số địa phương dồn hồ sơ nhiều mới trình lên một lần, gây khó khăn trong công tác thẩm định.

"Đáng lý ra, hồ sơ nào đã đảm bảo như hộ kinh doanh, các F0, F1 thì các đơn vị, địa phương nhanh chóng trình lên để sở giải quyết. Đằng này, có địa phương dồn lại rất nhiều, sau đó mới trình lên một lần, gây khó khăn trong vấn đề thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để chi hỗ trợ" - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho hay.

Cần xác định rõ trách nhiệm

Tại cuộc họp đánh giá sau 2 tháng chống dịch Covid-19 ở Phú Yên, ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh - yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh quá trình xem xét, xét duyệt danh sách và không đổ hết trách nhiệm lên ngành LĐ-TB&XH.

"Trách nhiệm đầu tiên phải ở xã, lên huyện, rồi tỉnh mới giải quyết đúng và đủ được. Các đơn vị, địa phương không chỉ cứ đưa hồ sơ lên nhưng không ký xác nhận, thiếu sự kiểm tra rồi để các ngành kiểm tra lại thì không chuẩn xác bằng cấp cơ sở. Tôi yêu cầu các địa phương, đơn vị không trông chờ rồi đổ hết trách nhiệm lên ngành LĐ-TB&XH" - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu.

Tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân, Chủ tịch Phú Yên liên tục đôn đốc - 3

Người gặp khó vì Covid-19 ở thị xã Đông Hòa (Phú Yên) được hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Ông Trần Hữu Thế cũng chỉ ra tính cấp bách của việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ trong thời điểm hiện tại; khi người dân chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 rất cần sự hỗ trợ kịp thời.

"Cần nhớ rằng, lúc khó khăn thì người ta mới cần. Chứ đến sau này một là người dân hết chịu đựng nổi,  hai là hết dịch chẳng hạn thì việc chúng ta hỗ trợ có còn ý nghĩa không?" - Chủ tịch tỉnh Phú Yên nói.

Chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các địa phương thẩm định được bao nhiêu hồ sơ thì gửi lên để ngành LĐ-TB&XH tổng hợp giải quyết, chứ không phải chờ có nhiều mới đưa lên, dẫn đến tiền hỗ trợ chậm đến tay người dân.