Bình Định:

Thúc tiến độ chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Doãn Công

(Dân trí) - Theo Hội đồng nhân dân Bình Định, kết quả thực hiện một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh chưa đạt như kỳ vọng, hiệu quả giải ngân vốn chưa cao.

Mới đây, tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh thực hiện các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tiến độ đề ra, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Thúc tiến độ chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (Ảnh: Doãn Công).

Ban Dân tộc tỉnh Bình Định nhận định kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 1, từ 2021 đến 2025, hiện chưa đạt kỳ vọng.

 Kết quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân đạt hơn 126,5/368,7 tỷ đồng, tỷ lệ 34,3%. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 hơn 47/82,1 tỷ đồng, tỷ lệ trên 57%; năm 2023 đã giải ngân hơn 79/286,5 tỷ đồng, tỷ lệ gần 28%.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cùng với kết quả thực hiện chương trình 135 trước đây, Ban Dân tộc nhận thấy các huyện triển khai thực hiện dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng chưa được tốt, kết quả giải ngân chưa cao.

"Chương trình có nhiều nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án mới, trong khi các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nhiều, nhưng ban hành chậm, chưa rõ ràng, gây lúng túng trong triển khai. Ngoài ra, thời điểm thực hiện chương trình, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn, thời gian thực hiện ngắn, ảnh hưởng đến quá trình triển khai và giải ngân vốn", ông Lung nêu nguyên nhân.

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định, qua 9 tháng thực hiện, một số chỉ tiêu kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, có chỉ tiêu dự báo sẽ không đạt kế hoạch đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho hay dự báo 3 tháng cuối năm, một số ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực gặp khó khăn sẽ tác động bất lợi đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, gắn với giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tiến độ quy định, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các chương trình.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp; chủ động phương án phòng chống thiên tai, hạn hán, cháy rừng, lụt bão.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng yêu cầu chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hỗ trợ tối đa đến 95% tổng chi phí thực hiện dự án

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh báo cáo thông qua tờ trình về quy định định mức hỗ trợ thực hiện một số dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: hỗ trợ tối đa 80% tổng chi phí thực hiện một dự án, kế hoạch liên kết trên địa bàn đặc biệt khó khăn; 70% thuộc địa bàn khó khăn; 50% với địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Định mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án.

Mức hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: hỗ trợ tối đa 95% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; 80% với địa bàn khó khăn; 60% với các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Định mức hỗ trợ tối đa 800 triệu đồng/dự án.