Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Trẻ em cần được an toàn trong môi trường nước
(Dân trí) - Ngày 28/12 tại TP Huế, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã dự Khóa tập huấn truyền thông, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em ở các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH; bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ; bà Phan Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế; nhiều giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân và cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới và cán bộ công tác trẻ em của các tỉnh miền Trung.
Phát biểu tại Khóa tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, phụ nữ và trẻ em là 2 đối tượng thường chịu tác động và các tổn thương trong các vấn đề thiên tai, xã hội.
Năm 2020 vừa qua, nhiều vụ thiên tai ở miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến tính mạng của trẻ em như vụ sạt lở đất ở Trà My (Quảng Nam) hay TP Huế, các cháu trẻ em bị thương tích, nhiều sản phụ bị tử vong cả mẹ lẫn con khi con còn chưa chào đời.
Cho đến nay, thiên tai nhất là về lũ lụt không chỉ diễn ra ở vài tỉnh thành của miền Trung mà kéo dài dọc cả dải miền Trung với thời gian đến 2-3 tháng. Việc thiên tai ngày càng nhiều thì việc tập huấn nhằm trợ giúp trẻ em, nhất là kỹ năng an toàn trong môi trường nước là rất ý nghĩa.
Theo Ban tổ chức, Khóa tập huấn là cơ hội chia sẻ các kinh nghiệm từ chuyên gia giúp cho cán bộ làm công tác trẻ em các tỉnh thành miền Trung hiểu rõ, cập nhật để phổ biến cho trẻ em.
Thứ trưởng Hà cũng chia sẻ thêm, Chính phủ rất quan tâm việc bị tác động thiên tai của bà con nhân dân. Chính phủ đã đến ngay các vùng bão lũ, động viên bà con kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, các Tổ chức quốc tế cũng luôn đồng hành cùng Chính phủ, như tạo sinh kế cho bà con mua giống cây con để tái thiết cuộc sống sau lũ…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định: "Việt Nam là nước đi đầu trong thực hiện quyền trẻ em. Tuy đã giảm số lượng thương vong nhưng vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và tai nạn thương tích mỗi năm. Điều này cần chú ý đến nâng cao các kỹ năng cha mẹ khi chăm sóc con cũng như sự giám sát của nhà trường và cộng đồng".
Đồng thời, Khóa tập huấn cũng đưa ra những khuyến cáo cho trẻ em thực hiện kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước là chỉ đi bơi, tham gia vui chơi dưới nước khi có người lớn, người giám hộ đi cùng; mặc áo phao khi đi bơi, tắm biển và khi ngồi trên tàu thuyền; lên bờ ngay khi có dấu hiệu cơ thể mệt mỏi, nhiễm lạnh, bị chuột rút hoặc thời tiết xấu. Các em cũng cần lưu ý chỉ bơi lội ở nơi có quy định và khởi động thật kỹ 15 phút trước khi xuống nước…