Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đem "cần câu cơm" đến với hộ nghèo

An Linh

(Dân trí) - "Phương thức hỗ trợ người nghèo sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất...", Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ.

Phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giảm nghèo giữa Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh những cách làm mới và có hiệu quả của Việt Nam về giảm nghèo bền vững.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020.

giam ngheo ben vung..jpg

Lễ ký kết chương trình giảm nghèo bền vững giữa Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

Trong đó, Chương trình tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

"Phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo", Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Điều này sẽ góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.

Bên cạnh đó, mục tiêu góp phần "chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định.

Đồng thời, bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung mới ở vùng nghèo, vùng khó khăn như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đem cần câu cơm đến với hộ nghèo - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Tại buổi lễ giới thiệu dự án UNDP-MOLISA-DFAT: "Xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững, giai đoạn 2021-2023", bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam - cho biết: "Việt Nam đã rất đúng đắn trong việc xác định các chính sách giảm nghèo đa chiều vùng bãi ngang, ven biển là ưu tiên hàng đầu''.

Tuy nhiên, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cần áp dụng các giải pháp, sáng tạo hơn trong việc chủ động tiếp cận các kỹ thuật số nhằm qua đó hướng tới những mục tiêu lớn, như: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức 1-1,5%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm, giảm một nửa số hộ nghèo và cận nghèo vào năm 2025.

Cũng tại buổi lễ, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: "Australia cam kết hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam. Quan hệ đối tác Bộ LĐ-TB&XH và UNDP chính thức ra mắt hôm nay là một phần trong cam kết của Australia. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này vì nhờ đó chúng tôi có thể khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các giải pháp sáng tạo, đổi mới về giảm nghèo bền vững".

Theo ông Tô Đức, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo Bộ LĐTBXH, kinh phí do Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT) tài trợ giai đoạn 2021-2022 khoảng 180.000 USD, tương đương 4 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2023-2025, nguồn kinh phí sẽ tiếp tục được huy động. Kinh phí đối ứng từ phía Văn phòng quốc gia giảm nghèo là 2 tỷ đồng.