Quảng Ninh:
Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân nhờ cách làm riêng
(Dân trí) - Với những quyết sách, cách làm riêng, công tác giảm nghèo của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả thiết thực, đời sống của nhân dân nhất là người ở các vùng sâu, vùng xa không ngừng được cải thiện.
Từ quyết sách kịp thời...
Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong suốt những năm qua, giảm nghèo bền vững, chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân luôn được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, mỗi một giai đoạn, tỉnh đều có những chính sách kịp thời, phù hợp và mang tính quyết định.
Theo đó, ngay từ giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND tháng 12/2016 "Về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh".
Đến tháng 1/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Đề án 196)....
Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể nói, những quyết sách kịp thời cùng cách làm riêng của tỉnh trong thời gian qua đã tạo "đòn bẩy" để giúp các địa phương xóa nghèo. Quảng Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh trước 1 năm so với kế hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhờ đó không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Đặc biệt, dù vẫn còn lại một số lượng ít các hộ nghèo tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, đồng bào dân tộc nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh.
...Đến việc làm thiết thực, lan tỏa yêu thương
Không chỉ có những quyết sách quan trọng, cách làm riêng, việc hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng luôn được tỉnh này đặt lên hàng đầu.
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả giúp đoàn viên, hội viên và người dân vươn lên thoát nghèo đã được các cấp từ tỉnh đến các địa phương hưởng ứng. Đặc biệt là vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp cùng với các tổ chức thành viên.
Đơn cử, việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" của các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...
Để phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy trách nhiệm, tình cảm, sự chung sức của cộng đồng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các tổ chức, đoàn thể của tỉnh còn triển khai hàng loạt các mô hình như: Giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ, xây dựng nhà mái ấm tình thương; phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; định hướng thanh niên khởi nghiệp....
Từ những phong trào, việc làm lan tỏa yêu thương như trên, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân và nhân dân toàn tỉnh đã tích cực chung tay, góp sức hỗ trợ người dân các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo.
Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2021, Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh đã trích trên 6,8 tỷ đồng triển khai xây mới, sửa chữa 162 nhà. Đồng thời, trích 95 triệu đồng thông qua Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là thành viên 19 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phát triển sản xuất...
Đặc biệt, không chỉ đối với những hộ nghèo mà đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng được tỉnh kịp thời chỉ đạo, ban hành các nghị quyết đảm bảo chăm lo, ổn định đời sống.
Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, cấp huyện đã nhận được tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 193,1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã tiếp nhận, Ủy ban MTTQ tỉnh sau khi báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đã phối hợp với các đơn vị kịp thời phân bổ tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 191,4 tỷ đồng, hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch và các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch; chuyển ủng hộ Quỹ vắc xin của Chính phủ....
Theo một lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, năm 2021, MTTQ sẽ không tổ chức phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo" do trong 2 năm (2020 - 2021) nhiều nguồn lực xã hội được huy động để hỗ trợ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ các cấp vẫn tích cực vận động cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tham gia ủng hộ 1 ngày lương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm, ủng hộ kinh phí, vật chất cũng như đóng góp cho "Quỹ Vì người nghèo".
Sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân với phương châm "người có của góp của, người có công góp công, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít", là việc làm thiết thực, góp phần động viên, hỗ trợ, sẻ chia cũng như đồng hành để người nghèo có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.