1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM:

Thu nhập chưa đủ mức sống tối thiểu, người lao động khó mơ mua nhà

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người lao động không mua được nhà ở xã hội, thu nhập chưa đáp ứng mức sống tối thiểu… là những trở ngại với sự phát triển thị trường lao động - việc làm TPHCM.

Thu nhập chưa đủ mức sống tối thiểu, người lao động khó mơ mua nhà - 1

Có nhà ở là mơ ước của hầu hết người lao động tỉnh lẻ đến TPHCM làm việc (Ảnh minh họa: Hải Long).

Báo cáo về tình hình lao động và việc làm hiện nay, UBND TPHCM đánh giá thành phố đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, thành phố quản lý được nguồn lao động, xây dựng hệ thống giới thiệu việc làm, xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề… Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện.

Hạn chế đầu tiên là chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ mức sống tối thiểu ở khu vực thành thị, chưa sát với đặc thù nghề nghiệp và tính chất lao động của một số ngành.

Theo UBND TPHCM, thu nhập thấp nên chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động. Gần đây, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả của Covid-19, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.. nên rất khó để cải thiện thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, chăm lo an sinh xã hội còn bộc lộ hạn chế khi số người nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hiện còn cao; số người phát triển mới của hệ thống BHXH có tăng nhưng không cao; vi phạm pháp luật về BHXH còn phổ biến, nhất là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH…

Thứ ba, trong quá trình thực hiện các chính sách lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bộc lộ nhiều vướng mắc như: nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa biết đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, người lao động khó thụ hưởng chính sách này do không thuộc nhóm doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách…

Theo UBND TPHCM, nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động của doanh nghiệp đa dạng về ngành nghề và trình độ nhưng chính sách chỉ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên nên chưa đáp ứng hết nhu cầu.

Ngoài ra, chi phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí. Doanh nghiệp và người lao động phải đóng góp phần chênh lệnh nhiều nên chưa thu hút được người lao động học nghề...

Thứ tư, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục phổ thông của TPHCM còn một số khó khăn như: thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất...

Hệ thống giáo dục đại học thì tồn tại tình trạng ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tiễn, thậm chí một số ngành nghề bị thiếu hụt.

Thứ năm, TPHCM là địa bàn tập trung đông lao động, tranh chấp lao động là điều khó tránh khỏi. Theo UBND TPHCM, yêu cầu thực tiễn là giải quyết tranh chấp lao động theo hướng giảm sự can thiệp hành chính, tăng tính chủ động của các bên trong quan hệ lao động và theo dõi tình hình quan hệ lao động của doanh nghiệp sau tranh chấp.

Từ đó, việc giải quyết tranh chấp lao động trong tình hình mới đặt ra yêu cầu cao về củng cố, kiện toàn các thiết chế hòa giải tranh chấp lao động là hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động.

Hạn chế thứ 6 là vấn đề nhà ở cho người lao động. Theo UBND TPHCM, các quy định về đối tượng, điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Từ đó, dẫn đến nghịch lý là nhiều người không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn phải tìm đến nhà ở xã hội; tuy nhiên, chính họ lại không thuộc đối tượng thu nhập thấp để được mua nhà ở xã hội theo quy định hiện tại. Hạn chế về nhà ở khó hấp dẫn người lao động gắn bó với thành phố.

Thứ bảy, UBND Thành phố thừa nhận chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước hiện chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Điều này thể hiện qua số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc tại thành phố có số lượng rất hạn chế và tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp, nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn thiếu nhân lực chất lượng cao…