Thời công nhân bám trụ trận địa pháo ở nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương

Năm 2021 vừa qua, thành phố Nam Định kỷ niệm tròn 100 năm thành lập. Trong những di sản có từ cách đây hơn một thế kỷ, thì nhà máy dệt Nam Định có thể nói là một biểu tượng...

1. Nhân một lần về TP Nam Định gặp gỡ các cựu Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định một thời, chúng tôi tình cờ được gặp gia quyến liệt sỹ Bùi Tất Thịnh. Chị Nguyễn Thị Thành (vợ liệt sỹ Thịnh) và bà Trịnh Thị Gòn (mẹ vợ liệt sỹ) là hai thế hệ từng công tác tại nhà máy dệt Nam Định.

Liệt sỹ Bùi Tất Thịnh vốn là cán bộ Đội Cảnh sát hình sự (Công an TP Nam Định), tham gia tiêu diệt băng cướp tiệm vàng ở số 250 phố Hoàng Văn Thụ vào tháng 3-1991. Quá trình truy bắt toán cướp, anh Thịnh và nhiều đồng đội đã bị thương nặng do trúng lựu đạn. Ít năm sau vết thương tái phát, anh Thịnh mất và được Nhà nước xét công nhận là Liệt sỹ. Hiện ba người con của anh đều đang công tác trong Công an tỉnh Nam Định. 

Thời công nhân bám trụ trận địa pháo ở nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương - 1
Nhà máy Dệt Nam Định là niềm tự hào của người dân Thành Nam một thời.

Bên cạnh câu chuyện về người chồng, người con dũng cảm, chúng tôi cũng được bà và chị kể lại những tháng ngày hạnh phúc và gian lao khi được là một trong hàng vạn công nhân làm việc tại nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định).

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, sau khi học hết phổ thông, chị Thành theo học Trường trung cấp Công nghệ Sợi. Năm 1979 tốt nghiệp ra trường, chị được nhận vào Nhà máy Dệt Nam Định, phân xưởng sợi máy con. Công tác cho đến 2005, chị Thành nghỉ hưu theo chế độ.

Suốt mấy chục năm làm việc tại nhà máy Dệt Nam Định, chị Thành cũng như bà Gòn đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Dù thu nhập lúc lên lúc xuống, có những giai đoạn còn không ổn định, song cùng với đồng lương công an của chồng, chị cố gắng tằn tiện nuôi ba người con khôn lớn trưởng thành.  

Chị Thành nhớ lại. Chị lập gia đình năm 1981, khi ấy anh Thịnh vẫn công tác tại TP Hải Phòng. Năm 1982, chị sinh đôi hai cháu gái là Thanh và Thủy. Kể sao cho hết những khó khăn cơ cực thời điểm bấy giờ. Mặc dù cả hai vợ chồng đều có lương, song chỉ đủ để đong gạo và mua chút mắm muối đồ khô dự trữ. Còn đồ sơ sinh cho các cháu phải nhờ đến bà nội, bà ngoại của hai cháu đỡ đần thêm. Nhà máy cũng hỗ trợ vài lon sữa đặc - loại thực phẩm rất hiếm hoi lúc mấy giờ.

Cũng theo chị Thành, cuộc sống thời bao cấp những năm 80-90 của thế kỷ trước thì đa phần người dân đều cơ cực giống nhau. "Chúng tôi làm công nhân ít ra còn có lương, có chính sách của cơ quan. Những ngày lễ tết còn được Công đoàn, Ban lãnh đạo nhà máy quan tâm. Chị em nào mà đạt danh hiệu lao động tiên tiến, xuất sắc còn được đi nghỉ mát tại nhà nghỉ dưỡng của nhà máy" - chị tâm sự.

"Công tác tại nhà máy dệt chừng ấy năm, dù cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn đủ bề song tôi và mẹ vẫn rất yêu nghề, bám trụ cho đến lúc nghỉ hưu. Mẹ tôi nghỉ năm 1990, năm 2005 thì đến lượt tôi".

Thời công nhân bám trụ trận địa pháo ở nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương - 2
Công nhân nhà máy Dệt đang trong ca

"Năm 2016, khi nghe tin và tận mắt chứng kiến nhà máy bị phá dỡ để xây khu đô thị mới, tôi và hàng ngàn cựu công nhân nhà máy đều cảm thấy buồn bã, nuối tiếc. Từ lúc đó trở đi, mỗi ngày thành phố sẽ vắng đi những tiếng còi tầm. Trên con phố Tô Hiệu sẽ thiếu đi cảnh tắc đường lúc công nhân tan ca. Giờ mỗi lần đi ngang qua phân xưởng cũ (nay đã trở thành những căn nhà, dãy phố khang trang của khu đô thị mới) tôi lại cảm thấy rưng rưng muốn khóc" - chị Thành tâm sự.

2.Theo dòng lịch sử, Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1900 một số tư bản Pháp trong Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh…

Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924, số công nhân của Nhà máy đã lên tới 6 ngàn người. Đến năm 1929, Nhà máy đã có quy mô 135 máy dệt. Năm 1939, nhà máy phát triển lên với quy mô 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng động lực...

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà máy Dệt Nam Định bước vào một thời kỳ mới, với rất nhiều thăng trầm… Dưới thời bao cấp, lúc cao điểm nhà máy có hàng vạn cán bộ, công nhân làm việc. Khi đó, đa số các gia đình ở TP. Nam Định đều có người làm việc tại nhà máy này.

Bà Gòn nhớ lại, mười bảy tuổi bà đã là công nhân ngành dệt may, và gắn bó với máy sợi suốt ba mươi năm. Ở Nam Định có những khu tập thể mà 100% đều là công nhân nhà máy dệt. Những ngày nhà máy trả lương có thể nói là ngày cả thành phố vui như Tết. Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, bà Gòn cũng được sống trong những ngày gian lao mà hào hùng. Mùa hè năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Nam Định cũng có nhiều mục tiêu, trong đó có nhà máy dệt. Để bảo vệ nhà máy, khẩu đội pháo 100 ly do nữ công nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt - đoàn viên thanh niên làm khẩu đội trưởng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Thời công nhân bám trụ trận địa pháo ở nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương - 3
Chị Nguyễn Thị Thành nhớ lại những ngày gian khó mà hạnh phúc khi làm công nhân nhà máy Dệt Nam Định

Một sáng tháng 7-1972, bọn giặc lái tổ chức ném bom từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Một số nữ công nhân vì mệt và vì tiếng nổ của những quả pháo quá mức chịu đựng đã bị ngất xỉu. Tuy nhiên, khi tỉnh lại họ đều kiên cường ở lại trận địa. Trong trận đấu này đơn vị đã bắn rơi một máy bay F4 và phối hợp với đơn vị thành phố bắn rơi hai chiếc khác. Chiến thắng đó làm nức lòng cán bộ, đảng viên công nhân viên chức toàn nhà máy hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu với khí thế sục sôi.

Bà Gòn cũng tâm sự, những năm 1968-1969, hưởng ứng phong trào "sản xuất 10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt", cán bộ công nhân nhà máy dệt Nam Định đã phấn đấu làm ba ca và đã vượt 1 triệu 74 vạn mét vải trước thời gian quy định. Với những thành tích đó trong hai năm liên tục nhà máy được Bộ công nghiệp công nhận là lá cờ đầu trong ngành dệt.

Đặc biệt bà Đào Thị Hào (phu nhân nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An) đã bền bỉ đứng 24 máy dệt Thụy Sỹ. Trong nhiều năm bà luôn luôn dẫn đầu nhà máy về năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời có nhiều sáng kiến có giá trị cao trong thao tác nối sợi, đi tua "hoa hồng", xử lý máy tiết kiệm điện, chạy suốt dở và nhất là dũng cảm bám máy sản xuất tìm ra phương pháp hãm máy nhanh khi báo động, không để bị dập thoi, đứt sợi… Bà còn góp phần đào tạo nhiều công nhân tay nghề cao. Với những thành tích đó, năm 1967 bà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Vào những năm 1980-1990, vải lụa Nam Định - sản phẩm chủ lực của Nhà máy - là một thương hiệu nổi tiếng. Đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh của nhà máy, đời sống của cán bộ, công nhân ở đây hơn hẳn mặt bằng trung bình ở địa phương…

Ông Nguyễn Văn Miêng - Tổng giám đốc Dệt May Nam Định nhớ lại những tháng ngày vàng son của công ty. Giai đoạn đỉnh cao của nhà máy Dệt là những năm sau thống nhất đất nước. Khi đó, Dệt Nam Định có hơn 18 ngàn cán bộ công nhân viên, tương đương 10% dân số thành phố. Số cán bộ nhân viên thời đó còn gấp 3,5 lần hiện tại. "Là một phần không thể thiếu của kinh tế Nam Định, mỗi khi đến ngày phát lương của nhà máy là mặt bằng giá cả thành phố biến động, do người dân đổ xô đi mua bán", ông kể.

Còn với nhiều người dân Nam Định, thời kỳ nhà máy Dệt ăn nên làm ra, họ luôn tự hào cho rằng kinh tế thành phố chỉ thua "người anh cả" Hà Nội chứ không kém tỉnh thành nào ở phía Bắc. Gia đình nào có hai người được trong biên chế nhà máy đều có cuộc sống khấm khá và được hàng xóm ghen tỵ.

Trải qua hơn 110 năm tồn tại và phát triển, đến nay việc tồn tại nhà máy liên hợp dệt nằm giữa lòng thành phố không còn là điều thích hợp bởi bao quanh là khu dân cư đông đúc, ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường và con người xung quanh. Do đó năm 2016, Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định đã được di dời ra KCN Hòa Xá, nằm ở ngoại ô TP Nam Định. Hiện trên nền các xưởng dệt-nhuộm cũ đã được quy hoạch thành một khu đô thị mới hiện đại, khang trang. Chỉ còn lại căn nhà bảo tàng, nơi lưu giữ những kỷ niệm vàng son một thời của nhà máy Dệt Nam Định.

Dệt Nam Định làm nên thành phố công nghiệp lớn thứ 3 ở Miền Bắc

Hơn một thế kỷ qua, tiếng còi tầm của Nhà máy Dệt Nam Định là âm thanh quen thuộc của nhiều thế hệ người dân Thành Nam. Hình ảnh nữ công nhân Nhà máy Dệt Nam Định đang đứng máy cũng rất quen thuộc khi được in trên tờ tiền Việt Nam, mệnh giá 2000 đồng… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy…

Cùng với nhiều nhà máy khác trên địa bàn, quy mô to lớn của Nhà máy Dệt Nam Định đã đưa TP Nam Định trong một thời kỳ dài được xem là thành phố công nghiệp, thành phố lớn thứ 3 ở miền Bắc sau Hà Nội và Hải Phòng. Dệt Nam Định cũng là một trong những nhà máy đầu tiên của Việt Nam xây dựng mô hình khép kín giữa nhà xưởng sản xuất và hệ thống nhà ở xã hội, gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, lớp học, bệnh viện... Tại Nam Định, rất nhiều thế hệ đã được sinh ra từ Bệnh viện Dệt may, lớn lên từ những nhà trẻ Dệt.

Với quy mô lớn, tính chất quan trọng, trong nhiều nhiệm kỳ qua và cho đến nay ở Nhà máy Dệt Nam Định vẫn duy trì tổ chức một Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh, tương đương một Đảng bộ cấp huyện và một Đảng bộ khối trực thuộc Đảng bộ tỉnh…

Tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại khá dài của mình, Nhà máy Dệt Nam Định cũng trải qua nhiều giai đoạn "khốn khó". Có giai đoạn, do sản xuất đình trệ, không có việc làm, thu nhập, công nhân nhà máy còn phải về các vùng nông thôn để tăng gia sản xuất nông nghiệp lấy lương thực, thậm chí còn phải đi... đóng gạch.

Đặc biệt, năm 1995 tại Nhà máy Dệt Nam Định đã xảy ra một vụ án kinh tế lớn, với việc lãnh đạo của Nhà máy khi đó cùng những người liên quan bị khởi tố, bị phạt tù. Những năm qua, khi cơ chế chuyển đổi cơ sở dệt may này cũng gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp nhiều so với trước đây…

Năm 2012, Bảo tàng Dệt may được xây dựng, nằm ở 5 đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Nam Định, trên Khu Nhà truyền thống của Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định. Bảo tàng có tổng diện tích 1,2 ha.

Khu nhà trưng bày chính được cải tạo, xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp cổ gồm nhiều gian trong đó mỗi gian có một chủ đề trưng bày riêng biệt, hiện vật trưng bày là sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phản ánh sự phát triển của ngành Dệt may Nam Định nói riêng và ngành Dệt may Việt Nam nói chung qua các thời kỳ với tinh thần anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày những hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau những lần Người về thăm và làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định.

Theo M. Tiến - D. Hưng

Công an nhân dân