Thiếu nguồn lực điều trị cho trẻ em dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng
(Dân trí) - Trẻ em người dân tộc thiểu số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Khu vực vùng sâu, vùng xa đang thiếu nguồn lực, năng lực để điều trị suy dinh dưỡng cho các em.
Đó là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell sáng 11/11 tại Hà Nội.
Bày tỏ vui mừng được tiếp đón Giám đốc điều hành UNICEF đến thăm và làm việc tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Hà gửi lời cảm ơn tới UNICEF đã luôn đồng hành, phối hợp với Việt Nam triển khai nhiều chương trình hiệu quả, trong đó, lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Tiếp lời Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bà Catherine Russell đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và UNICEF trong thời gian vừa qua. Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, Việt Nam là 1 quốc gia được rất nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ vì những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, có nhiều bước tiến rõ rệt rất đáng hoan nghênh.
Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang gặp phải.
"Tuy nhiên, Việt Nam luôn cho thấy sự lạc quan, có năng lực để giải quyết những khó khăn mà người dân và trẻ em đang gặp phải. Tôi tin rằng sự hợp tác, đồng hành giữa UNICEF và Việt Nam sẽ tạo nên sự khác biệt", bà Catherine Russell nhấn mạnh.
Bài toán chống suy dinh dưỡng với trẻ em dân tộc thiểu số
Chia sẻ về chuyến thăm tỉnh Gia Lai, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, trẻ em và người dân tộc thiểu số họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Bà cho biết, những địa phương này đang rất thiếu nguồn lực, năng lực để điều trị suy dinh dưỡng cho các em. Bà đưa ra khuyến nghị cần đầu tư thêm nguồn lực để bảo đảm trẻ em ở những vùng dân tộc thiểu số, những nơi còn khó khăn có thể tiếp cận điều trị vấn đề suy dinh dưỡng.
"Tại bệnh viện huyện, tôi gặp các trường hợp bệnh nhi được đưa vào viện vì liên quan đến vấn đề hô hấp, trong số này khi sàng lọc cũng cho thấy các em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Ở đây các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng vì không có nguồn lực nên họ chỉ tập trung điều trị được các bệnh không phải suy dinh dưỡng mà sẽ lại trả về địa phương hoặc cộng đồng", Giám đốc điều hành UNICEF nói.
Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi luật khám chữa bệnh, vì vậy UNICEF mong muốn Bộ LĐ-TB&XH sẽ có sự vận động để việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính có thể được hỗ trợ và chi trả, nằm trong khuôn khổ luật khám chữa bệnh.
Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, nếu không thực hiện ngay bây giờ, nhiều trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính không thể có sự phát triển khỏe mạnh.
"Chuyến thăm Gia Lai để lại cho tôi nhiều quan ngại liên quan đến tình hình suy dinh dưỡng của trẻ em nơi đây. Tôi rất lạc quan và tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH các vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng cấp tính, điều trị suy dinh dưỡng, các vấn đề khác như bảo vệ trẻ em sẽ được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Tôi xin cam kết, quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc luôn sẵn sàng đồng hành, hợp tác cùng Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đối với trẻ em Việt Nam", lãnh đạo UNICEF bày tỏ.
UNICEF mong Bộ LĐ-TB&XH quan tâm để đảm bảo văn kiện dự án hợp tác 5 năm giữa bộ và UNICEF, đồng thời chương trình kế hoạch năm sẽ được hoàn thiện, ký kết trong tháng 11 này. Bà Catherine Russell cho biết, UNICEF hiện đang rất tích cực để huy động, xin các nhà tài trợ để có đủ ngân sách hỗ trợ bộ trong chu kì 5 năm tới.
Đơn giản hóa các thủ tục xin trợ cấp cho trẻ em
Gặp một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong chuyến thăm tại tỉnh Gia Lai, bà Catherine Russell cho biết, các cộng sự của bà đã tìm cách thông tin, hướng dẫn trường hợp này xin hưởng trợ cấp nhưng gặp phải khó khăn về thủ tục.
"Chúng tôi có đến thăm một gia đình người dân tộc Bana, chị này 28 tuổi, chồng mất cách đây 6 năm. Chị này làm nghề nông và hiện đang nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống của họ rất khó khăn, để có thể duy trì và đảm bảo cho con của bạn ấy được đi học rất khó.
Tại đây, các cán bộ hỗ trợ của chúng tôi đã thông tin, hướng dẫn giúp gia đình để xin được trợ cấp theo quy định. Qua việc này, chúng tôi có kiến nghị chúng ta phải làm gì đó để các thủ tục xin cấp các khoản trợ cấp được đơn giản hóa, giúp người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận dễ dàng hơn tới việc xin các trợ cấp này", bà Catherine Russell đề nghị.
Đáp lời Giám đốc điều hành UNICEF, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cảm ơn những đóng góp, đồng thời tiếp thu những ý kiến liên quan đến các sản phẩm đặc trị suy dinh dưỡng. Thứ trưởng Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với Bộ Y tế về những vấn đề mà bà Catherine Russell đã nêu.
Về vấn đề liên quan đến nguồn lực và chất lượng nguồn lực, bà Hà cho biết, Bộ đang đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em, thông qua mở rộng nhân lực làm công tác xã hội, thiết lập phân bổ ngân sách riêng cho bảo vệ trẻ em, cải thiện dữ liệu sẵn có về bảo vệ trẻ em.
"Hiện nay chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc thiếu hụt số lượng nhân viên làm nghề công tác xã hội, yếu về năng lực nên chất lượng chuyên môn không đảm bảo, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp do đa số được đào tạo từ các ngành nghề khác nhau", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
Về vấn đề mà bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF đề cập trong chuyến thăm tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Hà cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, xem xét phân bổ nguồn lực và đơn giản hóa các thủ tục.
Trước đó, chiều ngày 10/11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng có cuộc tiếp đón Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Najat Maalla M'jid, hai bên đã có những trao đổi về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, đặc biệt mở rộng nhân lực trong cung cấp dịch vụ xã hội.