Người mẹ vỡ òa khi lần đầu đi đón con trai 7 tuổi tan học
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 7 năm xa cách, đến trường đón con đi học về, người mẹ vỡ òa hạnh phúc khi cậu con trai 7 tuổi chạy ào đến ôm mẹ.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh cậu bé 7 tuổi khi tan học nhận ra người mẹ sau nhiều năm đi làm ăn xa về đứng đợi trước cổng trường. Sau phút ngỡ ngàng, cậu bé chạy ào đến, sà vào vòng tay mẹ. Phút hội ngộ hân hoan của cậu bé 7 tuổi khiến nhiều người rơi nước mắt vì xúc động.
Chia sẻ lên mạng xã hội, người mẹ viết: "Niềm hạnh phúc giản đơn của 2 mẹ con mà chỉ những ai phải sống xa con mới có thể cảm nhận rõ được hết ạ. Tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng xa xỉ đối với 2 mẹ con…".
Câu chuyện sau khi được đăng tải đã nhận rất nhiều chia sẻ từ cư dân mạng. Được biết, đây là lần đầu tiên người mẹ này được đến trường đón con sau nhiều năm xa cách.
7 năm xa cách và lần đầu chờ đón con tan học
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Hồng (27 tuổi, quê Hải Dương) cho biết, đoạn clip được chị quay cách đây không lâu, khi từ Nhật về Việt Nam thăm gia đình.
"Ngày hôm đó mình về để xây dựng tình cảm và bù đắp cho con. Đó cũng là lần đầu tiên mình tới trường đón con", chị Hồng chia sẻ.
Chị kể, hơn 7 năm trước, chị và chồng quen rồi yêu nhau ở Nhật Bản, sau đó có em bé. Đó cũng là lý do họ đặt tên con là Nhật, mảnh đất đã gắn kết và se duyên cho hai vợ chồng.
"Học xong cấp 3, gia đình mình đông con nên cuộc sống thời điểm đó rất khó khăn, vất vả. Khi đó, mình quyết định không học tiếp lên đại học ở Việt Nam mà lựa chọn qua Nhật để có cơ hội vừa học và vừa làm.
Thời điểm ấy mình chỉ mong ra nước ngoài có thể thay đổi cuộc đời và giúp đỡ bố mẹ nữa. Qua một người chị, mình và chồng biết nhau rồi yêu nhau. Thời gian ở Nhật, anh giúp đỡ mình rất nhiều.
Việc có em bé đến khi cả hai vợ chồng còn đang đi học. Tuy nằm ngoài dự định nhưng vợ chồng mình xem đó món quà lớn và rất hạnh phúc đón nhận", chị Hồng tâm sự.
Thời điểm mang bầu, do là du học sinh nên với hai vợ chồng chị Hồng, thủ tục để sinh con và bảo lãnh bé ở lại Nhật Bản rất khó. Nhà trường cho chị Hồng bảo lưu kết quả học tập 6 tháng để về Việt Nam sinh con.
"Sinh con xong, mình tiếp tục sang Nhật học đại học. Lúc đó không còn cách nào để bên cạnh con cũng như mang con sang cùng nên vợ chồng đành tiếp tục gửi con cho ông bà.
Không nỡ xa con nhưng điều kiện không cho phép nên 2 mẹ con phải tạm xa nhau, vừa để đợi con lớn hơn chút nữa, hai vợ chồng cũng có thêm thời gian xin vào công ty bên này. Chỉ có như vậy mọi trở ngại về giấy tờ thủ tục để đón con sang sẽ thoải mái và cuộc sống khi đó sẽ tốt đẹp hơn", chị Hồng tâm sự.
Một thời gian sau đó, dịch bùng phát, mọi kế hoạch của vợ chồng chị Hồng đành phải gác lại. Hai mẹ con chị cũng vì thế phải xa nhau thêm mấy năm nữa. Ngày chị về Việt Nam để xây dựng tình cảm và bù đắp cho con, chị có lần đầu tiên tới trường đón con giờ tan học.
"Khi con 2-3 tuổi là khoảng thời gian mình về thăm con nhiều, nhưng lúc đó con còn quá nhỏ để nhận ra ba mẹ. Tuổi thơ con chỉ biết mẹ qua những bức ảnh ông bà giữ, qua những cuộc gọi điện thoại.
Khi con lớn hơn chút, cũng có vài lần mình về thăm, nhưng con chưa quen, nhất quyết không đi chơi, đi ăn nếu không có ông bà hay người thân khác đi cùng.
Hôm quay clip là lần đầu tiên đón con đi học về. Mình có chút hồi hộp sợ con không nhận ra, không chịu về cùng mình. Bỗng dưng con nhận ra mình và chạy ào tới, đã khiến mình vừa bất ngờ vừa xúc động, nước mắt cứ thế lăn dài", chị Hồng rưng rưng kể.
Vì quá hạnh phúc, chị Hồng đã chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời này lên mạng xã hội và bất ngờ khi nhận được sự quan tâm lớn từ cư dân mạng khiến niềm hạnh phúc được nhân lên.
Xa con là điều day dứt nhất
Chị Hồng cho biết, với chị, quyết định để con lại Việt Nam chính là điều khiến người làm mẹ day dứt nhất. Tuy nhiên, vì tương lai nên vợ chồng chị phải đành lòng và cố gắng phấn đấu mỗi ngày.
"Từ lúc sinh con cho tới nay, mình chỉ có thời gian ở bên con 3 tháng đầu. Những lần về Việt Nam, mình chưa từng ngủ cùng hay 2 mẹ con chơi cùng nhau vì con không chịu chơi 1 mình khi không có ông bà.
Lần vừa rồi mình về, phải mất 3 hôm con mới quen mẹ bởi con vẫn cảm giác lạ và ngại, cũng rất ít chuyện trò và không muốn mẹ bế bồng, gần gũi. Đó chính là lý do mình chưa từng có cái ôm nào dành cho con cho đến hôm đi đón giờ tan học về.
Mình rất sợ sẽ giống như lần con được 2-3 tuổi. Khi đó, mình từng ôm chầm con nhưng thằng bé khóc và đẩy mẹ ra. Mình sợ lần này cũng vậy lên chỉ đứng nhìn, vẫy tay chờ đợi vì không muốn làm con sợ. Không ngờ...", chị Hồng nghẹn ngào.
Khoảnh khắc được con đón nhận và chạy ào tới ôm lấy mẹ thật sự ngoài sức tưởng tưởng của chị Hồng. Quãng đường chở con về nhà sau đó, cậu bé vẫn chưa thực sự mở lòng với mẹ, nhưng nhờ việc dành thời gian tâm sự với con nhiều hơn, bé đã gần gũi hơn, để mẹ tắm cho và ngủ cùng mẹ.
"Lúc vợ chồng mình quyết định có bé thứ 2, mình cũng rất hay gọi điện trò chuyện rồi hỏi ý con. Con nghe mẹ nói xong cũng rất vui và cũng muốn có em.
Có lần bé nằm ôm ông rồi hỏi ông là: "Ông ơi, ngày xưa con có được bú sữa mẹ không?", "Ông ơi, đợt tới em về, ông nuôi cả con cả em để con còn có anh em nhé!"
Một lần trên đường đón con về, thấy bạn bè được cả bố mẹ tới đón thì con nói với mình: "Lúc nào mẹ bảo cả bố đến đón con mẹ nhé!". Nhiều câu hỏi ngây thơ của con khiến mình chạnh lòng, xót xa và tự trách bản thân vô cùng.
Lúc nào cũng tự trấn an bản thân rằng lúc nào con chẳng thế, trong khi mình làm mẹ mà lại không biết gì về con luôn", chị Hồng xúc động.
Đầu tháng 11, chị Hồng tạm xa con trai, quay lại Nhật giải quyết một số công việc. Chị cho biết chỉ đi 2 - 3 tuần rồi lại trở về Việt Nam ở 10 tháng để dành cho con nhiều thời gian hơn và nếu thích hợp, anh chị cũng dự định đón con sang Nhật để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng.
"Do công việc nên lần này chỉ có mình về thăm con. Chồng mình, trước khi vợ về, đã dặn dò chu đáo, bảo cố gắng bù đắp nhiều hơn những thiếu thốn suốt thời gian qua của con.
Hiện vợ chồng mình đang làm việc trong một siêu thị ở TP Fukushima. Vợ chồng mình đang chuẩn bị giấy tờ để đón con sang đây, cũng hi vọng con sẽ đồng ý qua Nhật cùng bố mẹ, hi vọng cả nhà sẽ sớm đoàn tụ", chị Hồng nói.