Thay đổi chính sách an sinh khi mục tiêu "zero Covid" không thể duy trì
(Dân trí) - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 cho thấy, Việt Nam đã phải chuyển mục tiêu từ "zero Covid" thành "sống chung với Covid". Vì vậy, các chính sách an sinh cho người lao động cần điều chỉnh theo.
Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội tại UB Kinh tế của Quốc hội sáng 27/9, do lãnh đạo Quốc hội chủ trì.
Nhiều thách thức
Báo cáo về một số vấn đề liên quan tới lao động và an sinh xã hội trong chống dịch Covid-19, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn nhiều con số cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch tới tình hình lao động, việc làm.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể. Hàng trăm ngàn công nhân, người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, làm việc luân phiên do doanh nghiệp ngừng hoạt động, bị nhiễm Covid-19 nên phải cách ly và điều trị, sống trong khu bị phong tỏa…
Đơn cử như tại Đồng Nai, tính đến 15/9, có hơn 490.000 lao động tại 558 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Bình Dương cũng có trên 80.000 lao động tới nay vẫn tạm ngừng sản xuất, chưa khởi động lại do tại doanh nghiệp có ca nhiễm…
Chỉ số sử dụng lao động trong tháng 8/2021 của phần lớn trong số 19 tỉnh thành phía Nam thấp hơn tháng 7 và rất thấp so với cùng kỳ (tháng 8/2020).
Con số 12,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó, 0,5 triệu người mất việc làm; 4,1 triệu người tạm dừng việc; 4,3 triệu người bị giãn việc, nghỉ luân phiên; 8,5 triệu người bị giảm thu nhập… cũng được nhóm nghiên cứu nhắc lại.
Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2021, theo đó, đã lên tới mức 2,6%, cao nhất trong 3 năm gần đây, trong đó, 48% người thất nghiệp là do tác động của đại dịch.
Đánh giá tình hình, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc phục hồi sản xuất, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, còn chậm nên còn rất nhiều thách thức với lĩnh vực lao động, việc làm.
Duy trì hoạt động sản xuất cần được coi là chủ trương thống nhất, xuyên suốt, là giải pháp duy trì nền kinh tế và sau đó là phục hồi nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn. Duy trì sản xuất, theo đó, cũng là để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.
"Kinh nghiệm và hậu quả thấy rõ từ đợt dịch thứ tư, mục tiêu "zero Covid" đã chuyển sang "sống chung với Covid-19" và vì thế mà các chính sách, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động và những nhóm yếu thế, cần phải có sự thay đổi" - các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân khuyến cáo.
Mức hỗ trợ cao bậc nhất khu vực
Về chính sách an sinh xã hội, nhóm nghiên cứu đánh giá, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung. Các tỉnh/thành phố đã triển khai Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lần thứ 2 theo Nghị quyết 68 được thiết kế với mục tiêu kép, đó là tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới cùng lúc với đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế.
Nội dung gói hỗ trợ hướng đến như: Phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh (như giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…).
Tính cho tới ngày 20/9/2021, có khoảng 50 chính sách khác nhau được ban hành để cụ thể hóa việc thực hiện gói hỗ trợ này.
Các chính sách hỗ trợ của gói hỗ trợ này được cho là đa dạng, thiết thực và cụ thể hơn so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của năm 2020, cụ thể: Nghị quyết 68 có thêm 5 chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19, hướng đến phục hồi sau đại dịch; có các chính sách ưu tiên hỗ trợ bổ sung cho người lao động mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và trẻ em và hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng F0 và F1 và các chính sách hỗ trợ đã bao phủ gần như toàn bộ lao động khu vực chính thức.
Vấn đề các chuyên gia nêu băn khoăn là về việc thực thi chính sách. Việc chi trả tiền hỗ trợ gặp khó khăn do rất nhiều người lao động phải tuân thủ giãn cách phòng chống dịch, không kịp chuẩn bị giấy tờ cần thiết nên chưa tiếp cận được hoặc mất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ.
Mặc dù công tác tổ chức thực hiện đã áp dụng công nghệ thông tin để thống kê số lượng đối tượng, kinh phí phê duyệt, kinh phí chi trả nhưng trên thực tế thì không ít địa phương vẫn lập danh sách đối tượng thụ hưởng một cách thủ công qua hệ thống nhân lực từ cấp tổ dân phố, cấp phường, quận tổng hợp nên việc bỏ sót đối tượng hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là đối tượng lao động di cư, làm tự do.
Mức hưởng hỗ trợ vẫn còn thấp, phổ biến ở mức 3,71 triệu đồng/người, 3 triệu đồng/hộ hoặc 1,5 triệu đồng/người/tháng (với lao động không có giao kết hợp đồng lao động)… thấp hơn mức lương tối thiểu, chỉ đủ cho cuộc sống ngắn hạn, trước mắt.
Kiến nghị nâng mức hỗ trợ
Trên cơ sở đó, các chuyên gia về kinh tế, lao động, việc làm kiến nghị xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài, dù mức hỗ trợ trung bình của Việt Nam đã cao hơn tất cả các nước khác trong khu vực, trừ Mông Cổ và Thái Lan.
Để có thêm nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, việc sử dụng quyền Quốc hội trao cho Chính phủ trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ khám, chữa bệnh…) cũng được xem là hướng đi cần thiết, phù hợp.