Thanh Hóa cam kết hoàn thành giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trước 30/8
(Dân trí) - Hơn 82% người lao động tại Thanh Hóa đã nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Các địa phương còn lại được yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc chi trả trước ngày 30/8.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 24/8, UBND cấp huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 74 doanh nghiệp với 2.179 lao động, tổng mức hơn 3,2 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả cho 1.784 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 82,4% so với tổng kinh phí đã phê duyệt.
Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, UBND cấp huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 74 doanh nghiệp với 2.073 lao động, tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả cho 1.681 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng.
Đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động, địa phương đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 22 doanh nghiệp với 106 lao động, tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 206 triệu đồng, đã chi trả cho 103 lao động với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, tiến độ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt danh sách và chi trả kinh phí hỗ trợ người lao động của các địa phương chưa đảm bảo theo tiến độ phấn đấu đặt ra là hoàn thành trước ngày 20/8.
Nguyên nhân theo Sở LĐ-TB&XH là do một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt, chậm triển khai thực hiện chính sách (chậm ban hành kế hoạch triển khai, chậm thành lập hội đồng thẩm định), để dồn nhiều hồ sơ đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp mới ban hành quyết định phê duyệt. Việc thông tin, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ về chính sách, điều kiện hỗ trợ chưa cụ thể.
Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến nội dung hỗ trợ của chính sách, e ngại trách nhiệm, không xác minh được người lao động có ở thuê, ở trọ hay không; sợ liên lụy khi người lao động trục lợi chính sách, sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên triển khai rất chậm, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quyết định 08 thì doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2 hoặc 3 tháng nên nhiều doanh nghiệp chờ đủ thời gian để làm gộp hồ sơ 3 tháng (tháng 7 mới làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ), để tránh cho người lao động phải xin xác nhận nhiều lần với chủ nhà trọ.
Phần lớn người lao động thuê nhà trọ chưa đăng ký tạm trú với cơ quan công an nên còn cân nhắc khi làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, sợ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Một phần khác, người lao động khai báo để hưởng chế độ chính sách không trung thực, gây khó khăn cho các cán bộ đi xác minh hồ sơ.
Bên cạnh đó, một số lao động người địa phương ở nhờ người thân quen, không phát sinh chi phí thuê trọ nên số lượng lao động để nghị được hỗ trợ giảm so với dự kiến.
Một số cán bộ trong hội đồng thẩm định của các địa phương chưa nắm vững quy định tại Quyết định 08, còn e ngại trong việc triển khai chính sách, sợ trách nhiệm, sợ sai, kéo dài thời gian thẩm định hoặc yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ chứng minh phát sinh so với quy định (như giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà, đơn đề nghị phải có xác nhận của chính quyền địa phương...).
Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục đôn đốc UBND thành phố Thanh Hóa và UBND thị xã Nghi Sơn khẩn trương hoàn thành việc chi trả cho những người lao động đã được phê duyệt trước ngày 30/8.