Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:
Thanh Hóa biểu dương, tôn vinh 150 gương điển hình vùng dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn, giai đoạn 2021-2023.
Đây cũng là hoạt động thực hiện dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.899 lượt người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 63.298 đội ngũ nhân sĩ, trí thức, trong đó có khoảng 5.207 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,22%.
Theo số liệu thống kê, 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có 1.411 doanh nhân, trong đó số lượng doanh nhân người dân tộc thiểu số là 374 người, chiếm tỷ lệ 26,5%; hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp, cây con giống.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Hiện nay, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã có 79 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ luôn gương mẫu trong các phong trào vận động xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường, xây dựng nhiều công trình phúc lợi, an sinh xã hội.
Đồng thời vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, nhất là sự phát triển đi lên của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của nhà nước. Tích cực đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng Bằng khen đến 109 cá nhân là người có uy tín, trưởng dòng họ tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc góp phần củng cố, phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa; tặng Bằng khen đến 41 cá nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023.